Theo chính sách ân hạn thuế trước đây, đối với doanh nghiệp xuất khẩu, nhập nguyên liệu về gia công sau đó xuất khẩu sẽ được giảm thuế nhập khẩu một số nguyên liệu và được ân hạn nộp thuế trong vòng 275 ngày. Tuy nhiên, vừa qua Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ đề xuất trình Quốc hội dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) theo hướng phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng mới được hưởng ân hạn thuế với thời hạn bảo lãnh tối đa 275 ngày. Song dự thảo này đang vấp phải sự phản đối gay gắt từ các doanh nghiệp gia công xuất khẩu, đặc biệt là các doanh nghiệp thủy sản.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, hiện nay nguồn nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng khoảng 60 - 70% cho chế biến xuất khẩu. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2012, Việt Nam đã nhập khẩu thủy sản từ 69 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với trị giá đạt gần 331 triệu USD, trong đó cá các loại (trừ cá tra) chiếm 37%; cá ngừ chiếm 30,6%; tôm chiếm hơn 23%, còn lại là nhuyễn thể, cua ghẹ và giáp xác khác . Như vậy, để đạt được kim ngạch xuất khẩu 2,8 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm nay, có sự đóng góp đáng kể, khoảng 20% tổng xuất khẩu của kim ngạch từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu để gia công và sản xuất xuất khẩu.
Nếu dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) theo hướng phải có bảo lãnh của ngân hàng mới được hưởng chậm nộp thuế đối với nguyên liệu sản xuất xuất khẩu sẽ khiến các doanh nghiệp thủy sản bị thiếu vốn do bị thu hẹp, cắt giảm hạn mức doanh nghiệp có thể vay để sản xuất, kinh doanh và làm tăng chi phí sản xuất, tăng giá thành sản phẩm, giảm sức cạnh tranh, thu hẹp sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Theo tính toán của nhiều doanh nghiệp trong ngành, hạn mức vay sẽ bị giảm 20 - 40%.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải chịu thêm mức phí bảo lãnh 2 - 3%/năm trong tổng tiền thuế nhập khẩu mà ngân hàng bảo lãnh cho doanh nghiệp. Cộng thêm lãi suất cho vay, chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm sẽ còn "đội" lên cao 5 - 10% nữa!
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Vasep cho hay việc này gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp song tiền nộp thuế cho Nhà nước chẳng tăng thêm. Ông Nam phân tích nếu tính Việt Nam nhập khẩu 600 triệu đô la Mỹ/năm với mức thuế nhập khẩu bình quân là 20%, số thuế không được ân hạn sẽ là 120 triệu đô la Mỹ. Ngân hàng tính phí bảo lãnh là 2,5% tương ứng 3 triệu đô la Mỹ trong vòng 12 tháng, cộng với lãi suất của 3 triệu đô la Mỹ là 12%/năm thành 3,36 triệu đô la Mỹ, tương đương 70 tỉ đồng. “Như vậy có thể thấy rằng trạng thái thuế nhập khẩu không đổi (không thu thêm được thuế), mà cộng đồng doanh nghiệp thủy sản phải mất đi 70 tỉ đồng/năm, đưa vào chi phí sản xuất. Có chăng chỉ có ngân hàng tăng doanh thu từ khoản thu hộ này”, ông Nam bức xúc.
Theo Vasep, không thể vì một số ít người lợi dụng việc ân hạn thuế để làm ăn gian dối, trây ì hoặc bỏ trốn mà “đánh đồng” với tất cả các doanh nghiệp đang chấp hành tốt và tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan doanh nghiệp không nợ thuế quá hạn để áp dụng quy định bắt buộc phải nộp thuế ngay hoặc phải có bảo lãnh ngân hàng xem ra không thật công bằng! Điều này đang tạo tâm lý bất an cho nhiều doanh nghiệp đang thực hiện và chấp hành tốt các quy định pháp luật của Nhà nước.
Thanh Long