|
Bộ trưởng Bộ Tài chính Singapore Tharman Shanmugaratnam cho biết, tình hình kinh tế toàn cầu hiện nay đã tốt hơn 6 tháng trước, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn và rủi ro bị tụt dốc trở lại.
Phát biểu trên được ông Shanmugaratnam đưa ra tại hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) diễn ra cuối tuần qua tại Nhật Bản.
Trong thông cáo chung của hội nghị, bộ trưởng bộ tài chính các nước đã kêu gọi hành động nhanh chóng để đảm bảo tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chậm lại và tiếp tục đối mặt với những yếu tố bất định và rủi ro.
Thông cáo cũng kêu gọi các nền kinh tế phát triển nên thực hiện cải cách cơ cấu cần thiết và các kế hoạch tài khóa đáng tin cậy, trong khi những nền kinh tế mới nổi nên duy trì hoặc sử dụng các chính sách linh hoạt nhằm đối phó với những cú sốc bất lợi và thúc đẩy tăng trưởng.
Thông cáo chung của hội nghị các nhà lãnh đạo tài chính toàn cầu nêu rõ: "Hành động tập thể mang tính quyết định vào thời điểm này là cần thiết để đưa kinh tế toàn cầu trở với tăng trưởng bền vững và cân bằng. Chính sách tài khóa của thế giới nên được định hướng một cách thích hợp để có thể phát triển một cách bền vững nhất".
Các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ, như Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và một số ngân hàng trung ương khác đã tiến hành đã phát huy hiệu quả, song điều quan trọng là các kế hoạch củng cố tài chính trong giai đoạn trung hạn cũng cần phải được thực hiện đồng thời, thông cáo chung nhận định.
Trong một nhận định đưa ra hôm 9/10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng cho rằng, sự phục hồi kinh tế toàn cầu đang có những dấu hiệu hụt hơi khi mà các biện pháp của các chính phủ đã không khôi phục được lòng tin.
Kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm lại và tiếp tục đối mặt với nhiều rủi ro, bất định
Theo định chế này, triển vọng kinh tế thế giới có nguy cơ "rất lớn" trở nên tồi tệ hơn và nguy cơ này vẫn đang tiếp tục tăng lên. IMF đã hạ dự đoán tăng trưởng toàn cầu năm 2013 xuống còn 3,6%.
IMF nhận định kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục suy yếu nhưng tình trạng suy giảm kéo dài trong bao lâu tùy thuộc vào việc liệu Mỹ và các nhà làm chính sách châu Âu có giải quyết được những thách thức cơ bản đối với nền kinh tế.
Với mức tăng trưởng ước tính 2%, Mỹ có thể trở thành một trong những thị trường phát triển tăng trưởng nhanh nhất trong năm 2012. Trong khi đó, Eurozone được dự báo giảm 0,4%.
Tiếp đó, trong Báo cáo Bình ổn Tài chính Toàn cầu công bố ngày 10/10, IMF cho biết rủi ro đối với sự bình ổn của hệ thống tài chính toàn cầu đã gia tăng trong 6 tháng qua bất chấp nỗ lực của các nhà làm chính sách nhằm đem lại một hệ thống tài chính an toàn hơn.
IMF nhận xét, nỗ lực tinh gọn và đem lại sự minh bạch cho hệ thống tài chính hầu như không đạt được tiến triển và niềm tin ngày càng trở nên “mong manh”.
Theo VnEconomy
|