|
Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) ngày 8/10 đã khởi động Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM), quỹ cứu trợ thường trực của Eurozone, như "một phần của chiến lược toàn diện nhằm đảm bảo sự ổn định tài chính trong liên minh tiền tệ này".
Phát biểu tại cuộc họp báo khi các bộ trưởng tài chính Eurozone nhóm họp, Chủ tịch Eurozone Jean-Claude Juncker nêu rõ: "Hôm nay, chúng tôi đã rất nhanh chóng thông qua một số quyết định và nghị quyết nhằm đảm bảo rằng ESM có thể thực hiện đúng chức năng."
Trên cương vị Chủ tịch Ban Giám đốc ESM, ông Juncker đã ca ngợi việc triển khai ESM là "một cột mốc lịch sử trong tiến trình định hình tương lai của Liên minh Tiền tệ châu Âu và khu vực euro".
Vị Thủ tướng Luxembourg này đồng thời nhấn mạnh ESM không phải là một công cụ riêng lẻ mà là một phần của kế hoạch toàn diện nhằm định hình lại hoạt động quản lý kinh tế ở khu vực euro.
ESM trị giá 500 tỷ euro (khoảng 653 tỷ USD) nói trên được đưa ra để cung cấp tài chính cho các nước thành viên Eurozone gặp khó khăn nếu họ cam kết tiến hành những cải cách tài chính và cơ cấu nhằm đưa các nền kinh tế không còn được giới đầu tư tin tưởng quay trở lại quỹ đạo.
Tại cuộc họp đầu tiên của Ban Giám đốc ESM, Giám đốc quỹ cứu trợ tạm thời của Eurozone Klaus Regling đã được chỉ định làm Giám đốc Điều hành ESM.
Theo thỏa thuận thiết lập ESM mà 17 nước Eurozone đã ký hồi tháng 2/2012, ESM sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7 và "song hành" cùng quỹ cứu trợ tạm thời hiện nay là Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF). Nhiệm vụ của ESM là hỗ trợ tài chính cho các thành viên Eurozone vào thời điểm khó khăn, nhằm duy trì sự ổn định tài chính của khu vực.
Để có hiệu lực, ESM cần sự phê chuẩn của các nước đóng góp 90% vào quỹ này. Đức đóng góp khoảng 27% ngân quỹ của ESM, đồng nghĩa với việc quỹ không thể đi vào hoạt động nếu thiếu sự hỗ trợ của nền kinh tế lớn nhất Eurozone này. Trong khi đó, 13 nước thành viên Eurozone khác đã phê chuẩn thỏa thuận thiết lập ESM; bốn nước chưa phê chuẩn ngoài Đức còn có Italy, Estonia và Malta.
Theo Vietnam+
|