Với mong muốn kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ từ tất cả các thành phần nhằm tăng cường an ninh lương thực ở Việt Nam, ngày 21/9/2012, Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Tp. HCM (VCCI-HCM) đã phối hợp với Công ty DUPONT Việt Nam tổ chức Diễn đàn “An ninh lương thực”. Tại Diễn đàn, các chuyên gia đã đề cập, phân tích các yếu tố cơ bản quan trọng nhất của lương thực như: tính sẵn có, khả năng chi trả, chất lượng và an toàn lương thực,…
Theo ông Đoàn Duy Khương - Phó Chủ tịch VCCI, để giải được bài toán an ninh lương thực ở Việt Nam, trước hết cần làm rõ bức tranh an ninh lương thực sẽ thế nào vào năm 2050, khi dân số toàn cầu đạt 9 tỷ người; cần có giải pháp cụ thể về tình trạng khan hiếm lương thực; Và khi an ninh lương thực đang là mối quan tâm lớn trên toàn thế giới, thì ở Việt Nam, vai trò của các chủ thể kinh tế, chính phủ, các nhà khoa học và cộng đồng doanh nghiệp với vấn đề này như thế nào.
Dù là quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới với hơn 7 triệu tấn/năm nhưng ông Vũ Ngọc Tiến – Trợ lý đại diện FAO (Tổ chức Lương thực & Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc) tại Việt Nam cho rằng: Đó chỉ là khối lượng, về chất lượng còn thấp kém, mặt bằng nguồn lao động còn chưa có trình độ chuyên môn, định hướng xuất khẩu lương thực của Việt Nam cũng còn yếu dẫn đến khả cạnh tranh rất thấp. Theo ông Tiến, trong tương lai, Việt Nam cần chuyển trọng tâm phát triển từ số lượng sang chất lượng. Và giải pháp ông Tiến đưa ra là phương án phát triển dọc theo chuỗi giá trị, liên kết người dân, các cấp quản lý, đồng thời cần những thể chế và định hướng phù hợp hơn với tình hình mới.
Cũng tại Diễn đàn, GS-TS Võ Tòng Xuân cho rằng, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đang thu hẹp diện tích đất lúa, đặc biệt là khi các khu đô thị, công nghiệp này đều nằm trên đất nông nghiệp: “Dù Chính phủ quy định phải giữ được 3,8 triệu ha đất trồng lúa nhưng tôi nghĩ là rất khó, nếu không có tư duy mới về phát triển đô thị, khu công nghiệp” - GS Xuân nói.
Ông James C.Borel, Phó Chủ tịch cấp cao Tập đoàn Dupont (nghiên cứu các giải pháp về an ninh lương thực), đưa ra nhận định: vấn đề lớn về an ninh lương thực mà Việt Nam cần chú ý là đưa khoa học kỹ thuật vào cho nông dân áp dụng trồng lúa, quan tâm việc sử dụng nguồn nước cho cây lúa.
Trước những vấn đề đặt ra đối với an ninh lương thực của Việt Nam, ông Đào Quốc Luận - Vụ phó Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Dù đang đứng trước nhiều thách thức lớn về an ninh lương thực, Việt Nam đã đặt mục tiêu sẽ chấm dứt tình trạng thiếu đói vào năm 2012, nâng cao mức độ an ninh lương thực cho các nhóm nguy cơ thiếu lương thực; cải thiện tình trạng dinh dưỡng, hướng tới cân đối dinh dưỡng; cải thiện cơ cấu lương thực và chất lượng tiêu dùng lương thực.
Nụ Phạm