|
Dự kiến, cuối tháng này Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sẽ xem xét và thông qua gói quy chế thành viên dành cho Lào. Như vậy, sau nhiều năm chuẩn bị, Lào sẽ chính thức trở thành thành viên mới của tổ chức thương mại đa phương này.
Đã 15 năm trôi qua kể từ khi Lào đăng ký gia nhập WTO, nhưng chỉ tới cuối tháng 9 vừa qua, cuộc đàm phán về việc công nhận tư cách thành viên mới của Vientiane mới chính thức có kết luận. Các nước thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới đã thông qua gói quy chế thành viên dự kiến sẽ được xem xét và chính thức thông qua tại Đại hội đồng được tổ chức ở Geneva vào ngày 26/10 tới.
Để có được sự phê duyệt cuối cùng tại hội đồng chung trong cuộc họp tới, Lào cần phải được sự đồng ý thông qua của 2/3 số thành viên WTO. Sau đó, Lào vẫn cần phải phê chuẩn thỏa thuận và thông báo lên WTO mà tổ chức này cũng có những bước tương tự và khoảng 30 ngày sau đó Lào sẽ chính thức gia nhập WTO. Như vậy, Lào sẽ có thể chính thức là thành viên WTO trong quý 1 hoặc đầu quý 2 năm tới.
Theo hãng tin BBC, Lào là quốc gia duy nhất trong khu vực Đông Nam Á chưa gia nhập tổ chức thương mại này. Trong vòng một thập niên qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của Lào đạt trên 7%, song theo số liệu của Ngân hàng Thế giới năm 2008, khoảng 28% dân số vẫn sống trong cảnh đói nghèo.
Hãng tin BBC dẫn đánh giá của các chuyên gia phân tích cho biết, việc gia nhập WTO sẽ giúp Lào tăng cường các hoạt động cũng như đối tác thương mại, đem lại nguồn đầu tư mới. Carr Slayton thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ-ASEAN nhận định, tư cách thành viên WTO là một bước đi quan trọng trong nỗ lực của Lào nhằm trở thành một môi trường đầu tư thuận lợi.
Kể từ khi bắt đầu đàm phán chính thức việc gia nhập WTO vào năm 2004, Lào đã có nhiều chính sách mới nhằm đáp ứng yêu cầu của WTO trên các lĩnh vực đầu tư, an toàn thực phẩm, thủ tục xuất nhập khẩu... Slayton cho rằng, Lào đã có nhiều bước tiến trong việc "giải phóng" nền kinh tế.
Theo BBC, Lào hiện có khoảng 6 triệu dân, trong đó phần lớn dựa vào nghề nông, cơ sở hạ tầng thiếu thốn và lĩnh vực công nghiệp chưa đa dạng. Hiện mới có hai công ty niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Đầu tư nước ngoài đã tăng từ 300 triệu USD năm 2005 lên 1,5 tỷ USD năm 2011, nhưng 80% số tiền này được đầu tư vào thủy điện và các dự án khai thác mỏ.
Do đó, không có gì bất ngờ khi Lào hy vọng rằng, với tư cách thành viên WTO sẽ mang lại nhiều vốn đầu tư nước ngoài cho nhiều ngành mới hơn. Đồng thời, việc gia nhập WTO sẽ giúp Lào tự bảo vệ mình trước những tranh chấp thương mại. Một lợi ích nữa khi gia nhập WTO, đó là thế giới bên ngoài có thể nhìn thấy một hình ảnh khác của đất nước Triệu Voi.
Theo VnEconomy
|