"Cơ hội cho các doanh nghiệp Việt XK hàng hóa sang Lào rất lớn nếu tận dụng tốt những lợi thế"- ông Trần Bảo Giám, Tham tán thương mại Việt Nam tại Lào khẳng định trước thềm Hội nghị Tham tán thương mại 2013.
Hàng Việt sang Lào khó khăn
Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của Chính phủ hai nước, thương mại Việt Nam- Lào có nhiều chuyển biến tích cực, năm 2010 tăng 17,2%, 2011 tăng 49,8% và 2012 tăng 17,1%. Tính riêng 11 tháng năm 2013, thương mại song phương ước hơn 900 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2012. Dự kiến, giá trị thương mại song phương năm 2013 đạt gần 1 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2012.
Dù vậy, hàng xuất khẩu của Việt sang Lào hiện mới chiếm khoảng 16% tổng kim ngạch nhập khẩu của Lào, những mặt hàng chủ yếu là sắt thép, xăng dầu, phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị và phụ tùng, than đá, rau quả, dệt may...
Khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp khi xuất khẩu vào thị trường Lào là quy mô nền kinh tế còn nhỏ, hạ tầng giao thông kém phát triển, sức tiêu thụ yếu, khả năng thanh toán hạn chế. Các dịch vụ hỗ trợ xuất nhập khẩu hàng hóa, kết nối giao thông Việt- Lào chưa phát triển.
Thực tế cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải thực hiện từ thu mua hàng hóa, vận chuyển, giao nhận đến việc tổ chức tiêu thụ trên thị trường. Mặc dù sự hiện diện của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào ngày càng nhiều trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế, nhưng vẫn chưa hình thành mạng lưới phân phối tại Lào.
Cùng với đó, chi phí vận tải cao làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa của Việt Nam trên thị trường Lào. Hàng của Việt Nam mới chỉ dừng lại ở thị trường này, chưa tận dụng được ưu thế của Lào để tiếp tục xuất khẩu sang nước khác.
Ở khía cạnh khác, một số văn kiện song phương về thương mại của Việt Nam và Lào được ký kết đã không còn phù hợp với tình hình hiện tại, cần phải được sửa đổi bổ sung- Tham tán thương mại Việt Nam tại Lào cho biết.
Tận dụng tốt lợi thế
Ông Trần Bảo Giám cho rằng, mặc dù là thị trường nhỏ nhưng Lào có nhu cầu cao với những mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam phải tận dụng những ưu đãi thuế từ các thỏa thuận tự do thương mại trong nội khối ASEAN và ASEAN với các đối tác.
Các doanh nghiệp Việt Nam cần đa dạng hóa cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, chú trọng việc đấu thầu các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, công nghiệp, khai khoáng, nông- lâm nghiệp... của Lào. Hiện nay, nhiều trung tâm dịch vụ quá cảnh hàng hóa, nhiều tuyến đường giao thông trong nước và kết nối với các nước có chung biên giới đang được xây dựng. Đây là cơ hội tốt cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào các nước có chung biên giới với Lào.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ nhiều hơn cho cộng đồng doanh nghiệp, Bộ Công Thương hai nước đang trao đổi, nghiên cứu nhằm ký một hiệp định thương mại song phương mới, đàm phán về Bản thỏa thuận ưu đãi thuế nhập khẩu cho hàng hóa có xuất xứ từ hai nước áp dụng cho năm 2014. Đồng thời, hai bên sẽ trao đổi về biện pháp phát triển thương mại biên giới, triển khai Quy hoạch chợ biên giới Việt- Lào, hợp tác công nghiệp...
Hàng năm, trong khuôn khổ xúc tiến thương mại quốc gia, Bộ Công Thương Việt Nam phối hợp với Bộ Công Thương Lào tổ chức Hội chợ hàng Việt Nam tại Lào. Năm 2013, Bộ Công Thương Việt Nam đã tổ chức Hội chợ Thương mại Việt Nam- Lào khá thành công vào tháng 7 tại thủ đô Viêng Chăn.
Theo Báo Công Thương Điện Tử