Báo cáo Cập nhật Triển vọng Phát triển Châu Á 2012 do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) phát hành sáng ngày 03/10/2012, cho biết: hiện nay dịch vụ chiếm gần một nửa sản lượng của Châu Á. Ngành này đóng góp khoảng hai phần ba tăng trưởng ở Ấn Độ trong giai đoạn 2000 – 2010 và hơn 40% tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Dịch vụ cũng là lĩnh vực tạo ra rất nhiều công ăn việc làm, sử dụng 34% lao động của khu vực, và do đó thúc đẩy hơn nữa tăng trưởng toàn diện.
Mặc dù ngành dịch vụ có ý nghĩa lớn và ngày càng tăng về mặt định lượng nhưng mức năng suất lao động ngành dịch vụ ở châu Á vẫn còn tụt hậu so với các nền kinh tế tiên tiến, thấp hơn 20% so với mức ở hầu hết các quốc gia OECD. Tỷ trọng của ngành dịch vụ hiện đại như công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) thấp dẫn đến năng suất chung của ngành dịch vụ thấp Tỷ trong tương đối thấp của các dịch vụ hiện đại như ICT làm giảm năng suất chung của ngành.
Việc xây dựng ngành dịch vụ năng động có năng suất cao, trong đó các dịch vụ hiện đại đóng vai trò lớn hơn, sẽ đòi hỏi phải giải quyết một loạt các vấn đề làm cản trở cạnh tranh và sáng tạo. Các vấn đề này bao gồm việc thiếu công nhân có tay nghề cao gây cản trở sự phát triển của các dịch vụ cao cấp, và cơ sở hạ tầng dịch vụ như ICT và băng thông rộng, hiện vẫn còn tụt hậu so với các nền kinh tế tiên tiến, và trên hết là các quy định nặng nề nhằm bảo vệ các công ty quan trọng khỏi các đối thủ cạnh tranh cả trong và ngoài nước.
Điểm mấu chốt giúp nâng cao năng suất và xây dựng được thị trường dịch vụ cạnh tranh hơn trong khu vực là nới lỏng các quy định trong nước và các rào cản thương mại. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi quyết tâm và cam kết chính trị rất lớn, trong bối cảnh các rào cản pháp lý dẫn đến một loạt các quyền lợi cố hữu, đáng kể, bao gồm cho cả các doanh nghiệp nhà nước cũng như độc quyền tư nhân.
Tuy nhiên, cần phải hành động ngay. Để duy trì tăng trưởng trong bối cảnh triển vọng toàn cầu không rõ ràng, cần phải đặc biệt ưu tiên tập trung vào việc cải cách dịch vụ ở châu Á. Ngành dịch vụ sôi động sẽ có nhiều lợi ích lớn cho phần còn lại của nền kinh tế, cho phép khu vực tận dụng tính giao thương ngày càng tăng của dịch vụ, và thúc đẩy tăng trưởng toàn diện bằng cách tạo ra công việc chất lượng cao, lương cao cho người lao động châu Á.
THỦY NHI