Ngày 14-11-2012, Viện nghiên cứu Phát triển phối hợp với Hội doanh nghiệp TP.HCM tổ chức hội thảo “Nâng cao hiệu quả bình ổn giá trên thị trường TP.HCM thông qua tăng cường liên kết kinh tế với vùng ĐBSCL” nhằm tìm ra giải pháp tối ưu trong thực hiện công tác bình ổn giá.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phòng Thương mại – Sở Công thương TP.HCM cho biết vào các dịp Lễ, Tết, nhu cầu tiêu dùng các nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu của người dân tăng cao và đây cũng là cơ hội của các đối tượng đầu cơ găm hàng trục lợi. Thực tế, đã có nhiều “cơn sốt” gạo, đường, dầu ăn… tác động tiêu cực đến thị trường, gây thiệt hại cho người tiêu dùng (NTD) và ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội.
Trước thực trạng đó, chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực- thực phẩm thiết yếu được đưa vào thực hiện từ năm 2002 với số vốn 45 tỷ đồng và 2 doanh nghiệp tham gia ban đầu. Đến nay, toàn thành phố đã có 2.734 điểm bán hàng bình ổn thị trường, tăng 2.486 điểm so với năm 2008. Trong đó bao gồm 107 siêu thị, 388 của hàng tiện ích, 831 điểm trong chợ truyền thống và 1.409 điểm bán hàng trong khu dân cư. Tại các quận, huyện ngoại thành chương trình có 785 điểm bán gồm 21 siêu thị, 93 của hàng tiện lợi, 81 điểm trong chợ truyền thống và 590 điểm bán trong khu dân cư. Chương trình cũng đã triển khai được ở 1 siêu thị và 9 của hàng tiện ích tại 10/13 KCX-KCN và 3 cửa hàng tiện ích tại các xí nghiệp có đông công nhân.
Từ mục tiêu ổn định tâm lý người tiêu dùng trong ngắn hạn của chương trình, đến nay hàng hóa bình ổn thị trường đã trực tiếp đưa đến tay người tiêu dùng trên khắp địa bàn thành phố và đang tiếp tục được đẩy mạnh thông qua các chương trình bán hàng lưu động, các phiên chợ, hội chợ công nhân…được tổ chức thường xuyên. Riêng 10 tháng đầu năm 2012 đã có 826 chuyến hàng lưu động được đưa về bán tại quận ven, huyện ngoại thành, KCN-KCX… và chương trình cũng đã đưa vào 7 bếp ăn tập thể phục vụ 37.500 công nhân. Có thể nói, đến nay, chương trình đã giúp hạn chế hiệu quả tình trạng đầu cơ, găm hàng và hạn chế được việc nâng giá tùy tiện ở các loại hình phân phối khác tại các chợ truyền thống, cửa hàng tạp phẩm.
Bên cạnh mở rộng mạng lưới phân phối bán hàng bình ổn, TP.HCM đã tăng cường liên kết với các tỉnh thành khác nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của người dân, đặc biệt là khu vực ĐBSCL, nguồn cung nông sản chính cho thị trường nông sản TP.HCM. Đến nay, TP.HCM đã ký kết và thực hiện Chương trình hợp tác toàn diện về kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh với 13/13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL.
Tuy nhiên ông Trần Hữu Hiệp, thành viên Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho biết mối liên kết trong thời gian qua còn nặng tính hình thức, chủ yếu “liên kết chính quyền” chứ chưa phát huy đúng mức các liên kết thị trường, liên kết doanh nghiệp. Vì vậy, trong thời gian tới cần hướng các mối liên kết một cách thực chất hơn giữa doanh nghiệp và người dân.
Thanh Long