|
Hiệp hội Xuất khẩu Gạo Thái Lan ngày 4/1 cho biết năm 2012, nước này đã đánh mất vị thế là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới vào tay Ấn Độ và Việt Nam vì kế hoạch gây tranh cãi của chính phủ mua gạo của nông dân cao hơn giá thị trường.
Chủ tịch Hiệp hội, ông Chookiat Ophaswongse, nói rõ Thái Lan là "quán quân" xuất khẩu gạo suốt từ năm 1980, nhưng đã mất ngôi vị này trong năm 2012.
Theo các con số của hiệp hội, xuất khẩu gạo của Thái Lan trong năm qua giảm 35% so với năm 2011, từ 10,6 triệu tấn xuống còn 6,9 triệu tấn, thấp hơn 9,5 triệu tấn của Ấn Độ và 7,8 triệu tấn của Việt Nam.
Giá gạo của Thái Lan hiện cao hơn giá của các nước xuất khẩu gạo khác từ 100-200 USD/tấn, khiến khách hàng không muốn mua gạo Thái Lan và đó là lý do khiến xuất khẩu của nước này giảm.
Ông Chookiat cho biết Thái Lan hiện còn khoảng 12-13 triệu tấn gạo dự trữ, đồng thời cảnh báo nhiều nhà xuất khẩu gạo có thể chuyển hướng kinh doanh mặt hàng khác do không trụ được với thị trường, và gạo hiện đã trở thành một vấn đề chính trị ở Thái Lan.
Trước đây, Thái Lan sản xuất khoảng 20 triệu tấn gạo hàng năm và một nửa trong số này được dùng để xuất khẩu. Trong hơn một năm qua, Thủ tướng Yingluck Shinawatra áp dụng chính sách mua gạo của nông dân với giá cao hơn giá thị trường 50%. Chính sách này tuy được người dân hoan nghênh nhưng gia tăng sức ép cho ngành tài chính công.
Mặc dù vậy, Bangkok vẫn tin tưởng sẽ tìm được khách hàng mua gạo Thái Lan trên thị trường thế giới với giá có thể giúp tăng mức sống cho nông dân, và cho biết đã ký hợp đồng bán gạo trực tiếp cho một số nước.
Theo Vietnam+
|