Một số doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo ở ĐBSCL vừa gửi văn bản đến Hiệp hội Lương thực VN (VFA), Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) xin trả lại chỉ tiêu, không tham gia xuất khẩu gạo sang Philippines theo hợp đồng mà Vinafood 2 đã đại diện đấu thầu và trúng thầu 600.000 tấn vào ngày 15-4 vừa qua.
Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), cho biết công ty ông vừa gửi văn bản xin không thực hiện hợp đồng ủy thác xuất khẩu gạo sang Philippines đến VFA và VinaFood 2.
Nội dung văn bản nêu rõ: Công ty TNHH Việt Hưng vừa nhận được hợp đồng của Vinafood 2 về việc ủy thác xuất khẩu 6.956 tấn gạo 15% tấm đi Philippines. Tuy nhiên, DN không thể thực hiện hợp đồng trên với lý do gạo 15% đấu thầu với giá thấp, ràng buộc nhiều điều kiện không có tiền lệ. Về mặt kinh doanh nếu xuất theo hợp đồng này, công ty sẽ lỗ lớn...
Theo ông Đôn, giá trúng thầu xuất khẩu gạo sang Philippines thấp, chỉ 370,05 USD/tấn (giao tại cảng ở TP HCM) trong khi giá gạo cùng loại xuất khẩu sang Trung Quốc và các thị trường khác hiện đã 385-390 USD/tấn và không có ràng buộc như xuất sang thị trường Philippines. “Theo thăm dò của chúng tôi, các DN xin không tham gia thực hiện hợp đồng với số lượng khoảng 100.000 tấn”- ông Đôn cho biết.
Giám đốc một công ty xuất khẩu gạo khác cũng xác nhận đã có văn bản xin trả lại hợp đồng ủy thác xuất khẩu hơn 5.500 tấn gạo 15% tấm sang Philippines cũng với lý do giá thấp và nhiều ràng buộc khắc khe “chưa có tiền lệ”.
Theo phụ lục hợp đồng ủy thác xuất khẩu sang Philippines mà Vinafood 2 gửi đến các DN, nếu DN giao gạo không đúng tiêu chuẩn mà nước này đưa ra thì sẽ bị phạt nặng. Cụ thể, nếu nhiều hơn 1% tấm thì bị phạt 3 USD/tấn; nhiều hơn 10% thì tiền phạt là 30 USD/tấn. Đáng lo ngại là nếu hạt gạo xát dối (hạt còn sọc đỏ, sọc đen…) cũng sẽ bị phạt nặng từ 7,7-15,4 USD/tấn; hạt nguyên ít, độ ẩm nhiều hơn cũng bị phạt.
Theo ông Lâm Định Quốc, Giám đốc Công ty Lương thực Sóc Trăng, hiện DN đang xuất khẩu 10.500 tấn gạo đi Philippines theo chỉ tiêu VFA giao. Do thực hiện thu mua gạo tạm trữ từ sớm nên đợt hàng này DN vẫn lãi khoảng 7 USD/tấn. Tuy nhiên, nếu so với giá thị trường hiện tại thì DN mất đứt 20 USD/tấn nhưng vì giữ uy tín nên DN vẫn thực hiện giao hàng.
“Thực tế, đã có nhiều DN bỏ chỉ tiêu giao hàng đi Philippines vì sẽ lỗ 20 USD tấn nếu mới mua hàng, còn DN chuẩn bị gạo sẵn trong kho cũng không muốn bán vì mất lời!” – ông Quốc phân tích.
Theo Người Lao Động