Tại cuộc họp tổng kết 5 năm Việt Nam tham gia WTO mới đây, các chuyên gia kinh tế của Việt Nam đã nhìn nhận, dệt may và phân phối nội địa là 2 ngành gây bất ngờ nhất khi vẫn vững chắc và trỗi dậy dù dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn. Giữ vững tăng trưởng xuất khẩu 12%-15% như hiện nay, dệt may sẽ về đích sớm trong năm 2013 so với mục tiêu chiến lược đặt ra cho ngành ở năm 2015.
Nâng cao giá trị thặng dư
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu, sức mua hàng dệt may trên toàn cầu đã giảm mạnh trong năm 2012. Tổng tiêu thụ hàng dệt may toàn cầu năm 2011 lên tới 704 tỷ USD nhưng sang năm 2012 đã giảm còn khoảng 697 tỷ USD. Vì thế, hầu hết các thị trường tiêu thụ lớn đều giảm. EU với sức tiêu thụ 264 tỷ USD trong năm 2011 đã giảm mạnh nhất còn 240 tỷ USD năm 2012. Thị trường Mỹ giảm nhẹ từ 101 tỷ USD còn 100 tỷ USD. Hàn Quốc giảm 7% từ 11,3 tỷ USD còn 10,5 tỷ USD trong năm 2012. Trong các thị trường lớn, duy nhất chỉ có Nhật Bản tăng trưởng từ 41 tỷ USD lên 44 tỷ USD.
Ông Lê Tiến Trường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vitas cho biết, trong năm 2012, giá bán xuất khẩu của hàng dệt may Việt Nam giảm 5%-10% so với năm 2011. Tuy nhiên, tổng sản lượng xuất khẩu vẫn tăng 15%, bằng với năm 2011. Mặc dù sức tiêu thụ và nhập khẩu hàng dệt may vào các thị trường lớn đều giảm, nhưng xuất khẩu dệt may Việt Nam sang các thị trường này vẫn tăng trưởng ổn định. Năm 2012, xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào thị trường Mỹ tăng 9,2%, vào Hàn Quốc tăng 9%, vào Nhật Bản tăng 19,3%. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may và xơ sợi dệt các loại đạt 17,2 tỷ USD, tăng 8,5% so với năm 2011. Trong đó, riêng về hàng dệt may đạt 15,8 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2011. Dệt may tiếp tục giữ vững ngôi vị số 1 về kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Điều phấn khởi, tỷ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu trong nước của ngành dệt may ngày càng tăng cao. Trong 17,2 tỷ USD xuất khẩu năm 2012, ngành chỉ nhập khẩu khoảng 8,8 tỷ USD nguyên phụ liệu từ nước ngoài. Như vậy, giá trị thặng dư thương mại của ngành đạt mức 8,4 tỷ USD. Tính đến thời điểm hiện nay, ngành dệt may đã đạt gần 50% tỷ lệ nội địa hóa đặt ra cho mốc năm 2015. Và với khả năng giữ mức tăng trưởng 12%-15% trong năm tới, ngành dệt may dự kiến sẽ đạt khoảng 18,8-19,3 tỷ USD xuất khẩu và chắc chắn cũng sẽ hoàn thành sớm mục tiêu đạt 20 tỷ USD trong năm 2014, mà chiến lược phát triển ngành đặt ra cho năm 2015.
Dệt may Việt Nam sẽ trỗi dậy
Trong tổng nhu cầu nhập khẩu 700 tỷ USD của toàn cầu, dệt may Việt Nam mới cung ứng được 17,2 tỷ USD. Và trong 100 tỷ USD nhập khẩu của thị trường Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất chiếm 55% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, dệt may cũng chỉ mới xuất khẩu được 7,6 tỷ USD vào đây. Rõ ràng, cơ hội cho dệt may trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu là rất lớn. Dệt may Việt Nam đã có bước nhảy vọt về xuất khẩu trong những năm qua và được kỳ vọng sẽ gây đột phá lớn trong thời gian tới, khi mà các hiệp định thương mại song phương, đa phương với các thị trường lớn như Việt Nam, ASEAN với Nhật Bản, Hàn Quốc, EU và đặc biệt là thị trường Mỹ có hiệu lực.
Hiện nay, EU (gồm 27 nước) là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nhưng Mỹ chính là quốc gia mà Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất. Việt Nam đặt kỳ vọng rất lớn vào Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đến thời điểm này đã có 11 nước tham gia. Hiện các bên đã có cuộc đàm phán thứ 15. Các chuyên gia kinh tế dự báo, phải đến vòng đàm phán thứ 18 vào giai đoạn cuối năm 2013 đầu 2014 mới có thể đưa ra các thỏa thuận để ký kết. Trong khi đó, phía Mỹ hy vọng TPP sẽ được thực hiện xong trong năm 2013. Trong 11 thị trường của TPP, ngoài đích nhắm lớn nhất là thị trường Mỹ, dệt may Việt Nam hy vọng sẽ xâm nhập sâu hơn vào các thị trường tiềm năng, có sức tiêu thụ lớn như Canada, Mexico. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, nếu đạt được thuận lợi trong TPP, thị trường xuất khẩu dệt may toàn cầu sẽ có sự thay đổi lớn về phân chia lại thị trường. Chắc chắn dệt may Việt Nam sẽ trỗi dậy mạnh mẽ trong thời gian tới. Dệt may Việt Nam đã và đang có sức hút mới, thông qua sự dịch chuyển đơn hàng sản xuất và hấp dẫn nhà đầu tư FDI vào lĩnh vực dệt may nhiều hơn.
Dù kinh tế thế giới chưa được cải thiện nhưng theo ghi nhận tình hình thị trường, tại thời điểm này thị trường đã có sự cải thiện mạnh mẽ so với năm 2012. Theo Hội Dệt may - Thêu đan TPHCM, nhiều doanh nghiệp dệt may đã nhận được đơn hàng sản xuất đến hết quý 2-2013. Những doanh nghiệp lớn có nhiều khách hàng quen thuộc, làm lâu năm cũng đã có những cam kết thực hiện đơn hàng ổn định hơn. Tuy nhiên, với nhiều chi phí đầu vào tiếp tục phát sinh, dự kiến chi phí sản xuất kinh doanh sẽ tiếp tục tăng trong năm 2013.
Vì vậy, năm 2013 vẫn sẽ là một thách thức lớn cho các doanh nghiệp dệt may trong việc nỗ lực giữ vững nhịp độ phát triển, ổn định sản xuất kinh doanh nhằm chuẩn bị tốt cho các cơ hội tăng trưởng thời gian tới. Để có thể vượt qua khó khăn, các doanh nghiệp cho rằng, cần tích cực đàm phán với khách hàng chia sẻ chi phí đầu vào tăng cao để nâng giá bán, chú trọng đến việc cải thiện năng suất lao động, nghiên cứu đầu tư cho mô hình sản xuất FOB, đẩy mạnh mô hình trao đổi liên kết giữa các doanh nghiệp cùng lĩnh vực để cùng nhau vượt qua khủng hoảng.
Theo SGGP