Trong khi xuất khẩu dự kiến tăng 18% thì nhập khẩu lại có xu hướng tăng chậm hơn. Tính đến 11 tháng năm 2012 kim ngạch nhập khẩu đạt 103,75 tỷ USD. Ước tính kim ngạch nhập khẩu tháng 12/2012 đạt 10,6 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch nhập khẩu ước tính năm 2012 đạt 114,34 tỷ USD, tăng 7,1% (7,59 tỷ USD) so với cùng kỳ.
Trong đó khu vực đầu tư nước ngoài ước đạt 60,3 tỷ USD, tăng 23,5% (11,5 tỷ USD). Khu vực doanh nghiệp trong nước ước đạt 54 tỷ USD, giảm 7% (3,9 tỷ USD).
Một số nhóm hàng là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất được nhập khẩu chủ yếu phục vụ cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước giảm như bông giảm 16,9%, sợi dệt giảm 16,9%, nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép có tăng nhưng mức độ tăng nhẹ 7,9%. Điều đó cho thấy sản xuất khu vực doanh nghiệp trong nước năm 2012 vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Một số nhóm hàng là các vật phẩm thiết yếu tăng như tân dược tăng 18,6%, giấy tăng 8,9%, vải tăng 4,7%.
Về cơ cấu, tỷ trọng nhóm tư liệu sản xuất ước đạt 93,2% kim ngạch nhập khẩu, tăng 10,1% so với cùng kỳ (trong đó tỷ trọng nhóm hàng máy móc thiết bị và dụng cụ ước đạt 36,9%; nguyên nhiên vật liệu 56,3%). Tỷ trọng nhóm hàng tiêu dùng ước đạt 6,8%.
Về thị trường, ước tính năm 2012, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất với 28,9 tỷ USD tăng 17,6% (4,3 tỷ USD) so với năm 201, nhập siêu từ thị trường Trung Quốc ước tính đạt 16,7 tỷ USD, đây là thị trường nhập siêu lớn nhất trong năm vừa qua. ASEAN ước đạt 20,9 tỷ USD, tăng 0,3% (61 triệu USD). Hàn Quốc 15,6 tỷ USD tăng 18,4% (2,4 tỷ USD). Nhật Bản đạt 11,67 tỷ USD, tăng 12,2% (1,3 tỷ USD)...
Nhìn chung, nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2012 đạt tốc độ tăng tương đối thấp so với những năm qua. Việc tốc độ tăng nhập khẩu chậm hơn so với xuất khẩu năm 2012, trước mắt là một tín hiệu tốt khi các mặt hàng thuộc nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu và nhóm các mặt hàng cần hạn chế nhập khẩu giảm.
Cụ thể, trong 11 tháng năm 2012, các mặt hàng thuộc nhóm hàng cần kiểm soát gồm rau quả, sản phẩm từ ngũ cốc, bánh kẹo, phế liệu sắt thép, đá quý, kim loại quý và sản phẩm, linh kiện phụ tùng ôtô, linh kiện, phụ tùng xe gắn máy giảm (bằng 72%) so với cùng kỳ năm trước.
Nhóm các mặt hàng cần hạn chế nhập khẩu bao gồm hàng tiêu dùng ôtô nguyên chiếc dưới 9 chỗ, xe máy nguyên chiếc, điện thoại di động và các mặt hàng tiêu dùng khác giảm bằng 95% so với cùng kỳ năm trước.
Với những thông tin về tình hình xuất nhập khẩu 11 tháng và ước tính tháng 12 năm 2012, ước tính năm 2012 đạt xuất siêu 284 triệu USD cho thấy đây là lần đầu tiên Việt Nam chuyển sang xuất siêu sau gần 20 năm nhập siêu, kim ngạch nhập khẩu tăng 7,1%, trong khi xuất khẩu tăng 18%.
Trong năm chỉ có ba tháng nhập siêu ở mức thấp, các tháng còn lại đều xuất siêu, đặc biệt là các tháng cuối năm. Nguyên nhân chủ yếu do suy giảm của sản xuất và tiêu dùng trong nước nên nhập khẩu tăng thấp hơn nhiều so với xuất khẩu.
Đáng chú ý là xuất siêu hàng hóa chủ yếu ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với mức xuất siêu đạt gần 12 tỷ USD, tập trung ở nhóm hàng gia công lắp ráp. Ngược lại, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 11,7 tỷ USD.
Trong tình hình kinh tế hiện nay, việc hoạt động xuất nhập khẩu đạt xuất siêu nhìn chung đã có tác động tốt đến việc cải thiện cán cân thanh toán cũng như kiềm chế lạm phát.
Theo vneconomy