|
Doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài xuất khẩu chủ yếu là hàng gia công; hàng tạm nhập đóng gói bao bì rồi tái xuất, giá trị gia tăng thấp khiến Việt Nam chưa được hưởng lợi nhiều từ những con số xuất siêu.
Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu cả nước 2 tháng đầu năm đạt 19 tỉ USD, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 6,8 tỉ USD, tăng 18,2% và khu vực doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 12,2 tỉ USD, tăng 27,3%.
Ngoại xuất siêu, nội nhập siêu
Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng khá so với cùng kỳ năm trước là dệt may đạt 2,8 tỉ USD, điện thoại các loại và linh kiện 2,7 tỉ USD, điện tử, máy tính và linh kiện 1,5 tỉ USD, giày dép 1,2 tỉ USD... Phần lớn những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng cao này đều có sự đóng góp của khối FDI. Chẳng hạn, về linh kiện điện tử, máy tính của Samsung Vina (Bắc Ninh) mỗi tháng xuất khẩu khoảng 1 tỉ USD. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa cả nước 2 tháng qua đạt 17,3 tỉ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực FDI nhập 9,2 tỉ USD, tăng 12,9%.
Theo Bộ Công Thương, nhóm hàng nhập khẩu phục vụ gia công, xuất khẩu của khối FDI tiếp tục tăng trưởng cao, như: điện thoại các loại và linh kiện (trừ điện thoại di động), dây điện và dây cáp điện, máy tính, sản phẩm điện từ và linh kiện... Kim ngạch xuất khẩu của khối FDI tiếp tục tăng cao hơn khối doanh nghiệp trong nước là nhân tố chính giúp cán cân thương mại thặng dư. Trong 2 tháng qua, cả nước đã xuất siêu hơn 1,68 tỉ USD, riêng khu vực FDI xuất siêu 2,96 tỉ USD, còn khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục nhập siêu gần 1,3 tỉ USD.
Vốn mạnh, tài chính vững
Từ vài năm nay, xuất khẩu của khối FDI nổi lên đã góp phần cải thiện cán cân thanh toán vãng lai, giúp đất nước có thặng dư ngoại tệ. Năm 2012, cả nước xuất khẩu đạt kim ngạch 114,6 tỉ USD, tăng 18,3% so với năm trước, trong đó khối FDI chiếm 63,9 tỉ USD, tức gần 56%. Lần đầu tiên sau 20 năm, Việt Nam đã xuất siêu trở lại. Cơ cấu hàng hóa của từng khối doanh nghiệp cho thấy tuy khối FDI xuất siêu gần 12 tỉ USD nhưng chủ yếu là hàng gia công lắp ráp, còn khối doanh nghiệp trong nước thì nhập siêu gần 11,7 tỉ USD, trong đó phần nhiều là hàng tiêu dùng và xa xỉ.
Theo các chuyên gia kinh tế, dù khủng hoảng toàn cầu khiến nhiều thị trường như EU, Mỹ... nhập hàng Việt Nam sụt giảm mạnh nhưng khối FDI vẫn giữ vững đà tăng trưởng xuất khẩu. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp FDI có tiềm lực tài chính mạnh, có tập đoàn mẹ ở nước ngoài đỡ đầu, tham gia vào chuỗi giá trị liên kết toàn cầu nên giữ vững được thị trường. TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, nhận xét xuất khẩu tăng trưởng chủ yếu nhờ FDI là điều cần lo lắng. Doanh nghiệp trong nước không gia tăng xuất khẩu được sẽ làm cho nền kinh tế tiếp tục khó khăn.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, cho rằng các doanh nghiệp FDI vừa có lợi thế về vốn với chi phí thấp vừa có thị trường xuất khẩu ổn định nên đã có mức tăng trưởng bứt phá trong thời gian qua. Còn khối doanh nghiệp trong nước vì khó khăn về vốn vay, lãi suất, dù lãi tín dụng đã giảm về 12% - 13%/năm nhưng còn quá cao so với vốn vay của doanh nghiệp FDI nên rất khó cạnh tranh. Tuy nhiên, các mặt hàng xuất khẩu lớn của doanh nghiệp FDI chủ yếu là hàng gia công, hàng tạm nhập đóng gói bao bì rồi tái xuất, giá trị gia tăng thấp khiến Việt Nam chưa được hưởng lợi nhiều từ những con số xuất siêu này.
Theo Báo Người Lao Động Điện Tử
|