Sau khi có đủ nguồn vàng SJC, Ngân hàng Nhà nước sẽ chính thức cho đấu thầu giá vàng miếng để can thiệp thị trường
Hơn nửa tháng sau khi Ngân hàng (NH) Nhà nước ký hợp đồng nguyên tắc gia công vàng miếng với Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), hiện SJC đã bắt đầu tiến hành gia công vàng miếng cho NH Nhà nước.
3 tấn/ngày
Tuy không tiết lộ số lượng vàng đang gia công trong đợt đầu để chuẩn bị cho phiên đấu thầu vàng miếng chính thức trong vài ngày tới nhưng một nguồn tin đáng tin cậy cho biết hoạt động gia công vàng SJC đã được triển khai từ cuối tuần trước. Nguồn vàng gia công được lấy từ nguồn vàng nguyên liệu của NH Nhà nước, SJC gia công và chịu sự giám sát chặt chẽ của tổ giám sát gia công vàng miếng NH Nhà nước.
Trả lời báo chí mới đây, Chủ tịch HĐQT SJC Lê Hùng Dũng cho rằng: Khoảng 7 ngày sau khi SJC chính thức sản xuất, gia công vàng miếng, giá vàng trong nước sẽ thu hẹp khoảng cách với giá thế giới. Công suất dập vàng miếng của SJC đạt khoảng 80.000 lượng/ngày, tương đương hơn 3 tấn vàng.
Như vậy, nếu đủ nguyên liệu chỉ cần 10 ngày sản xuất đều đặn, thị trường sẽ có khoảng 30 tấn vàng. Với số lượng này, cung sẽ vượt cầu và kéo giá vàng trong nước về sát thế giới.
Theo một cán bộ NH Nhà nước, khi có nguồn vàng SJC trong tay, NH Nhà nước sẽ chính thức đấu thầu giá vàng để tăng nguồn cung cho thị trường. Thông tin chính thức sẽ được cơ quan này công bố trong vài ngày tới. Về giá, vị này cho rằng mức chênh lệch với giá thế giới sẽ về khoảng 1-2 triệu đồng/lượng chứ không thể về ngay mức lý tưởng 400.000 đồng/lượng mà lãnh đạo NH Nhà nước từng tuyên bố. “Việc can thiệp thị trường vàng còn phụ thuộc vào yếu tố giá thế giới, trong khi thị trường rất khó lường nên phải có mức chênh lệch nhất định đề phòng rủi ro, bảo đảm an toàn cho dự trữ ngoại hối” - vị này nói.
Vẫn bị neo giá
Thông tin về việc SJC đang gia công vàng miếng cho NH Nhà nước đã khiến giá vàng trong nước giảm nhưng mức độ không lớn. Đại diện một công ty kinh doanh vàng tại TPHCM nhận xét thị trường chưa có nhiều đột biến sau đợt bán tháo vàng hồi cuối tháng 2 trước thông tin NH Nhà nước đấu thầu thử nghiệm vàng miếng, can thiệp thị trường.
Giá vàng trong nước ngày 18-3 sau khi tăng mạnh lên mức 44,2 triệu đồng/lượng vào đầu ngày đã giảm xuống 44,1 triệu đồng/lượng (bán ra) vào cuối ngày, mua vào 44,02 triệu đồng/lượng. Giá vàng gần như không đổi so với hôm trước. Ngược lại, giá vàng thế giới tăng mạnh vào cuối ngày rồi vượt ngưỡng 1.600 USD/ounce, lên mức 1.603 USD/ounce. Biến động ngược chiều giúp chênh lệch giá vàng nội - ngoại rút ngắn xuống còn khoảng 3,5 triệu đồng/lượng.
Quan sát thị trường cho thấy lực cầu vàng từ người dân những ngày qua không mạnh, lực cầu từ các NH thương mại để tất toán trạng thái vàng cũng không cao nhưng giá vàng vẫn ở mức cao, chênh lệch lớn với thế giới cho thấy có yếu tố đầu cơ, làm giá. Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho biết thị trường vàng đang trong tình trạng chờ đợi nên kém sôi động.
Trong 2 ngày cuối tuần, có thời điểm PNJ niêm yết giá mua vào - bán ra chỉ chênh lệch 40.000 đồng/lượng để kích thích giao dịch nhưng sức mua bán không tăng nhiều. “Nguồn cung vàng không khan hiếm nhưng những đơn vị có khối lượng vàng lớn trong tay lúc này không dại gì hạ giá bởi như vậy họ sẽ bị thiệt. Kết quả là vàng tiếp tục bị neo giá” - một chuyên gia về vàng nhận xét.
Tránh lợi ích nhóm
Theo Công ty CP Chứng khóan Rồng Việt, về lâu dài, bình ổn giá vàng không nên gắn với dự trữ ngoại hối bởi đây là nguồn lực quốc gia cần được bảo toàn, tránh hao hụt. Mục tiêu bình ổn có thể sẽ bị chệch hướng bởi hoạt động đầu cơ vẫn còn kẽ hở trên thị trường vàng. Cần có sự công khai, minh bạch trong quy trình mua - bán vàng của NH Nhà nước, tránh xảy ra trục lợi và lợi ích nhóm nhằm xây dựng lòng tin từ người dân và đơn vị tham gia mua bán vàng trên thị trường. Điều tiết thị trường phải thông qua các biện pháp của thị trường và nên được quản lý theo xu hướng quốc tế. |
Theo Người Lao Động