Nhiều doanh nghiệp kinh doanh cà phê xuất khẩu đang có nguy cơ phá sản vì nợ nần và không có khả năng trả nợ. Theo nhiều chuyên gia trong ngành, tình hình này là do gần 4 năm qua các doanh nghiệp ngành cà phê đã chịu mức lãi suất cho vay khá cao cộng với những rủi ro của thị trường cà phê xuất khẩu biến động bất thường.
Theo Hiệp hội Cà phê Việt Nam (Vicofa), nợ xấu, nợ quá hạn của các doanh nghiệp cà phê vay tại các ngân hàng thương mại và Ngân hàng Phát triển Việt Nam hiện vào khoảng 6.330 tỉ đồng. Còn theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, dư nợ cho vay tín dụng xuất khẩu (TDXK) đối với mặt hàng cà phê đến 31-5-2013 là 696 tỉ đồng (chiếm 6% tổng dư nợ TDXK) của ngân hàng này.
Tổng giám đốc một công ty xuất khẩu cà phê ở TPHCM cho rằng, việc các doanh nghiệp cà phê vỡ nợ đã diễn ra âm thầm từ nhiều năm qua, nhưng một số công ty và ngân hàng vẫn “giấu” nợ, xoay xở thế chấp tài sản để vay thêm nhằm gỡ gạc việc kinh doanh thua lỗ kéo dài từ nhiều năm qua. Có nhiều khoản vay của doanh nghiệp đã đến thời kỳ đáo hạn, nhiều doanh nghiệp trữ cà phê với số lượng lớn vào thời điểm thu mua trong nước ở mức giá cao, hiện giá xuất khẩu đang ở mức thấp và đầu ra cũng đang bị thu hẹp. Doanh nghiệp buộc phải bán ra do áp lực thu hồi nợ của các ngân hàng, nên nhiều công ty phải bán cà phê chấp nhận lỗ từ 10% đến 20% để giải phóng lượng cà phê đã tạm trữ.
Vào thời điểm đầu tháng 3-2013, giá cà phê mua vào từ nông dân của các doanh nghiệp lên đến 46 triệu đồng/tấn, tương đương với 46.000 đồng/kg. Hiện giá cà phê đã giảm dưới 40.000 đồng/kg, nên giá xuất khẩu giảm theo càng khiến cho các doanh nghiệp trữ hàng gặp khó khăn nhiều hơn.
Theo Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk - địa phương có diện tích trồng cà phê lớn nhất cả nước, riêng trong năm 2012 đã có 43 doanh nghiệp, đại lý kinh doanh cà phê tại tỉnh này lâm vào cảnh vỡ nợ, không có khả năng thanh toán hơn 300 tỉ đồng và nợ nông dân 3.000 tấn cà phê nhân ký gửi.
Lãi suất cho vay ở mức cao cũng là nguyên nhân làm nhiều doanh nghiệp cà phê lâm vào cảnh phá sản. “Thời điểm tăng trưởng nóng của ngành cà phê từ 2008 đến 2010, có doanh nghiệp chấp nhận mức lãi suất lên đến 24%/năm để được vay kinh doanh cà phê. Kinh doanh nông sản xuất khẩu trong thời buổi khó khăn hiện nay, khó có mặt hàng nào đạt được tỷ lệ lợi nhuận đến 20%, trong khi đó doanh nghiệp phải vay đến 24%, việc mất khả năng chi trả cũng là điều dễ hiểu”, vị giám đốc nói trên, phân tích.
Với áp lực từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) kinh doanh cà phê ở thị trường Việt Nam có chi phí vốn thấp, nên sản phẩm xuất khẩu của các doanh nghiệp này cạnh tranh hơn so với các doanh nghiệp trong nước cũng làm cho các doanh nghiệp cà phê nội địa khốn đốn hơn.
Theo saigontimes