Xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay tăng 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có sự đóng góp lớn từ những thị trường chủ lực như Mỹ, EU, Nhật và Hàn Quốc.
Thông tin này được ông Lê Tiến Trường, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cho biết tại buổi công bố kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm và kế hoạch 6 tháng cuối năm 2013 của Vinatex với báo giới vào chiều ngày 9-7.
Theo ông Trường, xuất khẩu dệt may 6 tháng đầu năm nay ước đạt 8,9 tỉ đô la Mỹ, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lượng xuất khẩu vào Mỹ lớn nhất, đạt 3,94 tỉ đô la Mỹ, chiếm 44,8% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường EU đạt 1,29 tỉ đô la Mỹ, chiếm 14,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 18%; Nhật Bản đạt 1,1 tỉ đô la Mỹ, chiếm tỷ trọng 12,5% kim ngạch xuất khẩu, tăng 24,5%; Hàn Quốc đạt 660 triệu đô la Mỹ, chiếm tỷ trọng 7,5%, tăng 32%. Các thị trường khác đạt 1,85 tỉ đô la Mỹ.
Theo ông Trường, kết quả này tăng khá cao so với việc tăng trưởng của các thị trường nhập khẩu. Cụ thể tổng quan thị trường dệt may thế giới 6 tháng đầu năm nay, theo ông Trường, chỉ cải thiện hơn chút ít so với năm ngoái. Đơn cử như thị trường Mỹ, tổng lượng nhập khẩu hàng hóa dệt may trong 6 tháng đầu năm nay đạt 52 tỉ đô la Mỹ, chỉ tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái; thị trường EU 27 (bao gồm 27 nước) đạt 124 tỉ đô la Mỹ, tăng 8,5%, Nhật Bản đạt 20,8 tỉ đô la Mỹ, tăng 9,8%; Hàn Quốc đạt 5,78 tỉ đô la Mỹ, tăng 4,5%.
Ông Trường cho rằng, những tín hiệu tăng trưởng khả quan nói trên của dệt may Việt Nam đã khẳng định khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới, nhất là bốn thị trường quan trọng là Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Ông Trường dự báo, với kết quả xuất khẩu nửa đầu năm nay cùng với diễn biến tốt của thị trường đang diễn ra có hy vọng toàn ngành sẽ đạt mục tiêu xuất khẩu 19,5 tỉ đô la Mỹ trong cả năm 2013.
Trái ngược với xuất khẩu, thị trường dệt may nội địa nửa đầu năm vẫn chưa khởi sắc với mức tăng 9,5%, thấp nhất trong 3 năm lại đây. Duy nhất Vinatex đạt mức tăng trưởng cao hơn với 11%.
Theo ông Trường, hiện nay, ngành dệt may đang chuyển dần từ tăng trưởng theo số lượng sang nâng cao năng suất lao động, gia tăng hàm lượng nội địa hoá, tập trung sản xuất những mặt hàng có yêu cầu về kỹ thuật.
Bên cạnh đó, ngành dệt may tích cực cơ hội mở rộng thị trường mới sang Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, châu Phi, Trung Đông, trong khi vẫn duy trì các thị trường Nga , Đông Âu, Mỹ, Nhật Bản, EU...
Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam kỳ vọng vào Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nếu được thông qua sẽ góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu sang các nước, đặc biệt là Mỹ nhờ mức thuế nhập khẩu hàng dệt may giảm xuống 0% so với mức từ 16-32% hiện nay.
Doanh thu 6 tháng đầu năm nay của Vinatex ước đạt 20.227 tỉ đồng, tăng 11% so với cùng năm ngoái, đạt 50% kế hoạch cả năm; trong đó doanh thu nội địa ước đạt 10.079 tỉ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ.
Một số đơn vị thuộc Vinatex có kết quả tăng trưởng doanh thu tốt trong nửa đầu năm 2013 như May 10 (16%), May Việt Tiến (35%), May Đức Giang (14%); May Bình Minh (18%), May Đáp Cầu (11%), Vinatex Đà Nẵng (59%), May Hữu nghị (13%), May Chiến Thắng (25%), May Tân Châu (49%), Dệt may Hòa Thọ (40%), Dệt may Hà Nội (39%), Phong Phú (14%),DK Đông Phương (76%), Dệt may Huế (29%), Dệt kim Đông Xuân (10%); và vượt trên 50% kế hoạch như Dệt may Hòa Thọ, Dệt may Nam Định, Dệt kim Đông Phương, Sợi Phú Bài, Dệt may Huế.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online