Bước sang quý II/2013, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp da giày bắt đầu nhộn nhịp trở lại khi lượng đơn hàng xuất khẩu gia tăng và ổn định từ nay đến cuối năm.
Những tín hiệu khả quan này cùng nhiều cơ hội kinh doanh mới mở ra nhiều hy vọng cho ngành da giày hoàn thành tốt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2013 đạt hơn 9 tỷ USD.
Theo báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại 6 tháng đầu năm 2013 của Bộ Công Thương, sản lượng sản xuất sản phẩm giầy, dép da 6 tháng đầu năm ước đạt 124,1 triệu đôi, tăng 12,9% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành 6 tháng năm 2013 ước đạt 4.079 triệu USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Chủng loại giày, dép xuất khẩu của ngành da giày Việt Nam chủ yếu là nhóm sản phẩm có đế ngoài và mũ giày bằng cao su, plastic, da thuộc hoặc da tổng hợp, mũ giày bằng nguyên liệu dệt...
Các thị trường truyền thống vẫn có lượng tiêu thụ lớn sản phẩm da giày từ Việt Nam như: Mỹ, Anh, Bỉ, Nhật Bản, Trung Quốc. Các nhà sản xuất giày có đơn hàng ổn định, nhiều doanh nghiệp lớn nhận được các đơn hàng đến quý III/2013 do các nhà nhập khẩu chuẩn bị tận dụng lợi thế về thuế khi Việt Nam chính thức được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập GSP (thuế suất hạ từ 13%- 14% xuống còn 3-4%) với tất cả các mặt hàng nhập khẩu vào thị trường EU từ ngày 1/1/2014. Thuế EU sẽ là 0% khi Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và EU có hiệu lực.
Vì thế, giày dép của Việt Nam sẽ có sức cạnh tranh hơn tại thị trường EU trong thời gian tới.
Đây chính là lợi thế quan trọng để Việt Nam thu hút đơn hàng từ các nước, hiện đã có sự dịch chuyển các đơn hàng từ thị trường Trung Quốc sang Việt Nam.
Tuy nhiên, dù đơn hàng xuất khẩu gia tăng nhưng giày dép xuất khẩu vào các thị trường nhất là EU hay Hoa Kỳ đều yêu cầu cao về chất lượng và tiêu chuẩn kỹ thuật. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp ngành da giày Việt Nam phải đầu tư phát triển mạnh mẽ công nghệ, nâng cao chất lượng để đáp ứng yêu cầu.
Bên cạnh đó, xuất khẩu da giày của Việt Nam vẫn tiềm ẩn rủi ro do thị trường thế giới hiện nay có nhiều biến động và việc nguyên liệu sản xuất phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Cho đến nay, tỷ lệ nội địa hóa mới chỉ chiếm 40- 45% (chủ yếu là đế giày và chỉ khâu giày) trong khi nguyên liệu quan trọng nhất là da thuộc và da nhân tạo vẫn phải nhập khẩu.
Bộ Công Thương đã khuyến khích các doanh nghiệp giày dép tăng cường đầu tư trong sản xuất vật liệu và đẩy mạnh việc liên kết giữa các doanh nghiệp phát triển chuỗi cung ứng nguyên liệu cho sản xuất để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Theo Báo Công Thương Điện Tử