Bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới và trong nước khiến cho các làng nghề Việt cũng lâm vào tình cảnh thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, tình trạng hàng hóa tồn đọng ở nhiều nơi.
Việc ứng dụng thương mại điện tử cho xuất khẩu đang trở thành một kênh mới được kỳ vọng mang lại hiệu quả cao để đưa mặt hàng này vươn xa hơn ra thị trường thế giới.
Nhận thấy được những lợi ích mà thương mại điện tử mang lại, ngay từ những năm 2000, Công ty Thủ công mỹ nghệ Hoa Lư đã ứng thương mại điện tử để quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp.
Theo đánh giá của đại diện doanh nghiệp, việc ứng dụng thương mại điện tử vào quảng bá sản phẩm giúp cho các doanh nghiệp nắm được thông tin phong phú về khách hàng và thị trường, giảm chi phí bán hàng và tiếp thị sản phẩm. Bên cạnh đó còn giúp doanh nghiệp giảm thiểu đáng kể thời gian và chi phí giao dịch và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thiết lập và cũng cố mối quan hệ giữa khách hàng ở khắp nơi trên thế giới.
Bà Nguyễn Tú Anh, Phó TGĐ Công ty CP thủ công mỵ nghệ Hoa Lư cho biết, nếu như những năm 2000, 2002, thương mại điện tử còn xa lạ với rất nhiều doanh nghiệp thì chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư 1 trang web có đầy đủ thông tin về hoạt động, quy mô của công ty. Bên cạnh đó chúng tôi cũng đã tham gia một cách rất tích cực, vào các sàn giao dịch thương mại điện tử như vatgia.com, chodientu.vn hay như sàn giao dịch quốc tế như Alibaba.com...
"Hiện tại chúng tôi đang xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Mỹ và châu Âu, đặc biệt mới đây thông qua hệ thống thương mại điện tử chúng tôi đã ký được 1 hợp đồng gần 8 tỷ với khách hàng từ Nhật Bản, điều này đánh giá rằng thương mại điện tử là một đòn bầy đổi với doanh nghiệp của chúng tôi nói riêng cũng như là các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam nói chung", bà Tú Anh khẳng định.
Có thể thấy, ứng dụng thương mại điện tử là một trong những công cụ hữu hiệu cho các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm và tìm kiếm các đơn hàng xuất khẩu. Tuy nhiên theo các chuyên gia nhận định, hiện nay không nhiều doanh nghiệp và hiệp hội làng nghề có thể tận dụng tốt các ưu thế mà thương mại điện tử mang lại.
Chính vì vậy hiệu quả từ kênh bán hàng này chưa thực sự được như mong đợi. Nguyên nhân được cho là do thông tin về hàng hóa đưa lên còn đơn điệu và chưa sát với thực tế sản phẩm cũng như nhu cầu của khách hàng.
Về vấn đề này, ông Trần Đình Toản, Phó tổng GĐ Công ty CP Đầu tư và Công nghệ OSB cho rằng, hiện có khá nhiều các website giới thiệu các sản phẩm của làng nghề nhưng có vẻ rất tản mạn và có những giới thiệu mang tính chất hơi mang màu sắc thơ văn, không thuyết phục được người khách hàng, người mua hàng đọc những thông tin về lịch sử chỉ là một chuyện, quan trọng là họ muốn biết nó nằm ở đâu, tôi muốn mua sản phẩm đó thì tìm ai, doanh nghiệp nào, giá cả như thế nào chứ không phải chung chung như các website hiện nay.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online