Phần lớn hợp đồng bị hủy xuất phát từ phía đối tác Trung Quốc nhưng doanh nghiệp hầu như không được bồi thường.
7 tháng đầu năm, doanh nghiệp Việt Nam đăng ký xuất khẩu 6,8 triệu tấn gạo. Lượng xuất thực tế lũy kế đến 15/8 đạt 4,22 triệu tấn. Tuy nhiên, khối lượng bị hủy lên đến 938.000 tấn, riêng tháng 7 là 180.000 tấn. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), đây số hợp đồng bị hủy cao nhất kể từ trước đến nay trong ngành gạo, nguyên nhân chủ yếu do phía đối tác nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc).
Đại diện một doanh nghiệp thuộc VFA cho biết phần lớn các trường hợp hủy là do các thương nhân Trung Quốc trước đây ký hợp đồng mua với giá cao nay phá vỡ cam kết vì giá giảm. Số khác là các thương nhân Philippines, ký hợp đồng nhưng không có quota nhập khẩu nên tàu không được phép cập cảng. Do đó, hầu hết các hợp đồng ký với doanh nghiệp nước này đều đã bị hủy.
Một số ít hợp đồng là do các doanh nghiệp Việt chủ động hủy do mức giá ký thấp. Khi chủ động hủy hợp đồng, các doanh nghiệp trong nước đều bồi thường cho khách hàng nhưng không được đền bù khi hợp đồng đổ bể do đối tác.
"Đây là thị trường tiềm năng nhưng cũng đầy rủi ro. Do đó việc làm việc với họ phải hết sức thận trọng", Chủ tịch VFA - Trương Thanh Phong cho hay. Tuy nhiên, theo ông Phong, các hợp đồng bị hủy vừa qua không ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu gạo.
Ông Trần Công Thắng - Trưởng bộ môn Chính sách và chiến lược, Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn cho biết, việc hợp tác với doanh nghiệp Trung Quốc rất bấp bênh. Do đó, rất nguy hiểm nếu các công ty chỉ đổ xô phát triển thị trường này. Các thị trường trọng điểm truyền thống trước đây là Philippines và Indonesia đang co hẹp bởi họ đẩy mạnh chiến lược tự cung tự cấp lương thực.
Theo ông Thắng, gạo Việt chưa thực sự cạnh tranh tốt về giá cả cũng như chất lượng. "Đối thủ của Việt Nam là Thái Lan vừa rồi cũng xả kho với mức giá rất thấp", ông Thắng nói. Trong khi đó, các quốc gia khác như Ấn Độ, Campuchia bắt đầu tăng sản lượng xuất khẩu, vì thế việc cạnh tranh trên thị trường này sẽ gay gắt hơn.
Cũng theo ông Thắng, việc ký hợp đồng giữa các doanh nghiệp nhiều khi không có những điều khoản ràng buộc mạnh như việc đền bù, bồi thường... nên đối tác dễ dàng hủy. Để hạn chế số hợp đồng bị hủy, lãnh đạo VFA cho biết, Hiệp hội đã khuyến nghị doanh nghiệp phải kiểm tra lại nội dung hợp đồng một cách chặt chẽ trước khi ký kết, đặc biệt với thương lái Trung Quốc.
Còn theo ông Thắng, để giúp doanh nghiệp vượt khó thì đơn vị này đang đề xuất một số chính sách ngắn hạn như giảm thuế, giảm lãi suất. "Về dài hạn thì các đơn vị nên chuyển đổi cơ cấu khách hàng, mở rộng thị trường sang nhiều nước hơn. Không nên tập trung vào một thị trường nhiều quá, khi xảy ra biến động sẽ tác động xấu", ông Thắng nói.
Theo VnExpress