Cán cân thương mại của Việt Nam cũng thặng dư trở lại nhờ xuất siêu mạnh trong nửa cuối tháng 8.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 8, tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt 11,92 tỷ USD, tăng 3% so với tháng trước. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu chỉ tăng 1%, đạt 11,32 tỷ USD, dẫn tới cả nước xuất siêu 600 triệu USD trong tháng này.
Đây là tháng thứ ba liên tiếp cả nước xuất siêu. Đặc biệt, con số chính thức của Tổng cục Hải quan cũng gây bất ngờ khi trước đó Tổng cục Thống kê ước tính cả nước nhập siêu 300 triệu USD trong tháng 8. Nguyên nhân chủ yếu của sự chênh lệch này là do nửa cuối tháng 8, cả nước đã xuất siêu tới 760 triệu USD, trong khi số liệu của Tổng cục Thống kê thường cập nhật đến ngày 20 hàng tháng.
Do đó, tính từ đầu năm, số tháng xuất siêu đã cân bằng với số tháng nhập siêu, đưa cán cân thương mại của Việt Nam thặng dư trở lại ở mức 170 triệu USD từ đầu năm. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đạt 85,16 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu tăng thấp hơn (tăng 14%), đạt 84,99 tỷ USD.
Tuy nhiên, nhân tố chính khiến cán cân thương mại Việt Nam thặng dư vẫn đến từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong tháng 8, khối này xuất siêu cao hơn cả nước, đạt 940 triệu USD và 8 tháng đạt 3,5 tỷ USD. So với tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, xuất khẩu của khối FDI chiếm tới 60%.
Trong các nhóm hàng hóa, tăng trưởng mạnh nhất vẫn là nhóm hàng công nghệ cao khi xuất khẩu điện thoại và linh kiện vẫn dẫn đầu với 13,4 tỷ USD, tăng 80% so với cùng kỳ, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 6,8 tỷ USD, tăng 42%. Các nhóm hàng xuất khẩu truyền thống như dệt may vẫn đứng ở vị trí thứ hai với 11,4 tỷ USD, tăng 17%, xuất khẩu giày dép đạt 5,5 tỷ USD.
Tuy nhiên, xuất khẩu dầu thô (nhóm đóng góp phần lớn vào nguồn thu thuế của Nhà nước) lại giảm 10% về giá trị, còn 4,9 tỷ USD.
Về nhập khẩu, do chưa có ngành công nghiệp hỗ trợ đủ mạnh, doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác lớn nhất với 11,6 tỷ USD sau 8 tháng, tiếp đến là nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (11,5 tỷ USD).
Như vậy, với mục tiêu xuất khẩu 126 tỷ USD, 8 tháng cả nước hoàn thành gần 70% chặng đường.
Trong khi đó, mục tiêu cán cân thương mại lại khả quan khi chỉ tiêu Quốc hội giao là thâm hụt không quá 7% tổng kim ngạch xuất khẩu, nhưng 8 tháng đầu năm cán cân thương mại không những không thâm hụt mà còn thặng dư.
Theo VnExpress