Theo thống kê của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu dệt may tháng 10/2013 ước đạt 1,75 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2012. Lũy kế 10 tháng của năm 2013, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này ước đạt 14,8 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ.
Cùng với tín hiệu khởi sắc về đơn hàng, ngành dệt may Việt Nam dự kiến kim ngạch xuất khẩu cả năm có thể đạt con số 19 tỷ USD, vượt 1 tỷ USD so với mục tiêu đề ra từ đầu năm.
Trong các thị trường xuất khẩu thì Mỹ, Hàn Quốc và ASEAN tăng mạnh nhất. Cụ thể, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu dệt may sang Mỹ tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái; sang Hàn Quốc tăng 68% và sang Nhật Bản tăng 35% so với cùng kỳ.
Hiện nay, một số doanh nghiệp dệt may đã xây dựng lộ trình cũng như phương án sản xuất theo hướng chuyển dần từ hình thức gia công sang làm hàng FOB (mua nguyên liệu bán thành phẩm), ODM (tự thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm)... để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm của ngành và chuẩn bị cho việc tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Theo ông Hoàng Vệ Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex), đến thời điểm này, Tập đoàn đã triển khai 46 dự án với tổng nguồn vốn đầu tư 6.144 tỷ đồng, phần lớn là các dự án sản xuất nguyên phụ liệu.
Trong số đó đã có 3 dự án sợi được đưa vào hoạt động, gồm: Dự án Nhà máy Sợi Vinatex-Hồng Lĩnh, có quy mô 30.000 sợi cọc; dự án Sợi Phú Bài 2, có quy mô 15.000 sợi cọc và dự án Nhà máy Sợi Đồng Văn. Tổng sản lượng sợi tăng thêm của 3 nhà máy này là 1.270 tấn sợi Ne30.
Tập đoàn cũng đã đưa dự án Nhà máy dệt Yên Mỹ với sản lượng tăng thêm 180.000m vải vào hoạt động. Tập đoàn Texhong (Hong Kong) đưa vào hoạt động giai đoạn 1 Nhà máy sợi tại Quảng Ninh với 3 nhà xưởng và một số công trình phụ trợ phục vụ sản xuất sợi...
"Những sự đầu tư này sẽ tạo ra giá trị gia tăng và lợi thế cạnh tranh cho ngành dệt may, giảm sự lệ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm, " ông Dũng nói.
Theo VietnamPlus