Mới đây, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) đã công bố hai báo cáo về dịch vụ kho vận của Việt Nam, các con số trong đó chỉ ra rất nhiều hạn chế, bất cập.
Theo báo cáo "Kho vận hiệu quả: Chìa khóa để Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh", hàng năm công ty vận chuyển hàng hóa qua đường thủy chi khoảng 100 triệu USD cho các chi phí kho phụ trội do chậm trễ trong thông quan xuất nhập khẩu, và đến năm 2020 ước tính lên đến 180 triệu USD.
Còn theo báo cáo "Thúc đẩy thương mại thông qua giao thông vận tải có sức cạnh tranh, ít khí thải: Tuyến đường thủy nội địa, đường biển ở Việt Nam" của WB, việc khai thác thế mạnh ngành vận tải đường thủy là cách để giải quyết thách thức song song về tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Hiện vận tải đường thủy nội địa và ven biển đóng vai trò huyết mạch trong nền kinh tế Việt Nam, chiếm 53% tổng trọng tải lưu thông trên cả nước. Góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại cho người nghèo và cận nghèo ở nông thôn.
Để ngành vận tải cạnh tranh hơn và dịch vụ kho vận hiệu quả hơn, các chuyên gia của WB cho rằng, đối với lĩnh vực kho vận, Việt Nam cần giảm thiểu thủ tục giấy tờ trong quy trình thông quan, nghiệp vụ xuất, nhập khẩu; nâng cao liên kết giữa nội địa và các cảng nước sâu ở các cổng giao dịch quốc tế; thực thi cân bằng cung - cầu trong các dịch vụ xử lý bốc dỡ container ở các cổng giao dịch quốc tế; tạo thuận lợi cho việc thâm nhập thị trường của các hãng quốc tế vào thị trường vận tải và các công ty cung cấp dịch vụ kho vận trọn gói của bên thứ ba.
Đối với vận tải đường thủy nội địa và ven biển, khuyến nghị của WB là Việt Nam cần ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các hạng mức đã quy hoạch để tăng khả năng lưu thông hàng hóa của những hàng lang vận tải đường thủy nội địa chính như: Hành lang 1 ở đồng bằng sông Cửu Long, và sau hành lang 1 ở đồng bằng sông Hồng. Nâng cấp cảng container ở cảng Hải Phòng để nâng cao khả năng đón và gọi tàu, bốc dỡ, xử lý hàng vận chuyển qua các trục ven biển; khuyến khích hợp tác công tư theo mô hình thực nghiệm để thúc đẩy nâng cấp đầu máy cho các tàu chở hàng cỡ lớn; phổ biến kiến thức về điểm mạnh, yếu chi phí hậu cần của vận tải hàng hóa đường thủy, đường bộ cho các doanh nghiệp vận tải đường thủy nhỏ và vừa...
Bà Victoria Kwakwa- Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam: Việc sử dụng bền vững và hiệu quả hơn giao thông vận tải đường thủy nội địa và vận tải biển là một biện pháp hữu hiệu, khả thi về mặt kinh tế, đồng thời khống chế sự phát thải các chất gây ô nhiễm và khí nhà kính.
Theo Báo Công Thương Điện Tử