Nhiều kinh tế gia từng bình luận: Sau hơn 5 năm gia nhập WTO, các doanh nghiệp bán lẻ nội địa vẫn chưa tận dụng được cơ hội cũng như lợi thế của mình để chiếm lĩnh thị trường.
Thực tế có vẻ đúng vậy. Từ năm 2013 trở về trước, thị trường bán lẻ Việt Nam có khoảng 130 trung tâm thương mại, 700 siêu thị, hơn 1.000 cửa hàng tiện lợi, trong đó có sự hiện diện của 21 doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.
Nhà bán lẻ nội địa tuy nhiều nhưng rất yếu, chỉ một số ít tạo được dấu ấn riêng, phần lớn hoạt động không hiệu quả, dần co cụm. Trên thị trường hình thành “thế chân vạc” của ba tên tuổi lớn: Co.opmart, Big C và Metro Cash& Carry Việt Nam... Nhìn chung, thị trường bán lẻ Việt Nam như mặt hồ rộng chỉ lăn tăn những con sóng nhỏ.
Đột khởi, ngày đầu tiên của năm 2014, nhà bán lẻ Nhật Bản Aeon Mall “mở hàng” trung tâm thương mại đầu tiên mang tên Aeon Mall Tân Phú Celadon tại quận Tân Phú, TP.HCM với vốn đầu tư 100 triệu USD. Dự kiến cuối năm 2014, đầu năm 2015, Aeon Mall sẽ mở thêm hai trung tâm thương mại lớn ở Bình Dương và Hà Nội.
Lotte Mart, một tên tuổi lớn đến từ Hàn Quốc, sắp khai sinh siêu thị tại Hà Nội. Central Group của Thái Lan sẽ ra mắt chuỗi siêu thị Robinsons Department Store ở Hà Nội trong tháng 3, mở tiếp chuỗi siêu thị thứ hai tại TP.HCM cuối năm 2014. Đại diện tập đoàn bán lẻ lớn nhất thế giới Walmart đã có mặt tại Việt Nam để khảo sát thị trường. Đại gia giàu nhất Thái Lan ngỏ ý mua lại Metro Cash& Carry Việt Nam với giá 500 triệu USD. Big C tuyên bố “không hạn chế điểm bán miễn là có mặt bằng”...
Những động thái của các “ông trùm” bán lẻ thế giới rất có thể sẽ tạo nên những con sóng lớn, làm thay đổi diện mạo thị trường bán lẻ Việt Nam ngay từ năm 2014 này. Thực tế đó cho thấy, dù bị rơi khỏi Top 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới từ mấy năm trước, nhưng Việt Nam với 90 triệu dân, chủ yếu là dân số trẻ, 70% thu nhập dành cho mua sắm, vẫn có sức hút với các nhà đầu tư nước ngoài.
Các chuyên gia thương mại khuyến cáo, nếu các nhà bán lẻ nội không nhanh chóng làm mới mình, từ nhân lực đến hệ thống, các quy trình trong chuỗi bán lẻ, dù đứng chân ở những địa điểm đắc địa, sẽ khó cạnh tranh được với các nhà bán lẻ nước ngoài. Bởi đến năm 2015, khi thị trường bán lẻ hoàn toàn mở cửa thì khó có thể nói trước điều gì. Bài học chuỗi hệ thống 500 cửa hàng tiện ích G7-mart của cà phê Trung Nguyên với tham vọng làm đối trọng với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài bị “bại trận”, ngậm ngùi đóng cửa mấy năm trước vẫn còn đó! Vì sao cho đến bây giờ, các nhà bán lẻ nội vẫn chưa thể bắt tay nhau tạo nên sức mạnh, lợi thế để chiếm lĩnh thị trường? Thật khó trả lời!
Theo Báo Công Thương Điện Tử