Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Cục Hàng hải Việt Nam về việc chuẩn bị nội dung Hội nghị đối thoại doanh nghiệp vận tải biển, cảng biển năm 2014, chiều 16/7/2014, Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp vận tải biển, cảng biển và dịch vụ hàng hải.
Tham gia Hội nghị, về phía Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa có Giám đốc (chủ trì Hội nghị); các Trưởng phòng: Pháp chế, AT&TTHH; Trưởng Đại diện Cảng vụ tại Lệ Môn và các cán bộ nghiệp vụ của phòng Pháp chế; phía các doanh nghiệp có 10 doanh nghiệp vận tải biển, 04 doanh nghiệp cảng và 02 doanh nghiệp dịch vụ hàng hải khu vực Thanh Hóa.
Tại Hội nghị, đại biểu các doanh nghiệp trực tiếp trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đề xuất những kiến nghị tới cơ quan quản lý Nhà nước về hàng hải tại khu vực.
Qua các ý kiến tham gia, trao đổi và đối thoại trực tiếp của các doanh nghiệp, Lãnh đạo Cảng vụ HH Thanh Hóa đã kết luận:
Về vận tải biển, sẽ kiến nghị, đề xuất có chính sách hỗ trợ tàu vận tải biển nội địa để tạo sự bình đẳng với phương tiện thủy nội địa chạy tuyến ven biển vì do chi phí đóng tàu, trang thiết bị, thuyền viên của phương tiện thủy nội địa thấp hơn nhiều so với tàu biển; đề nghị xem xét lại việc tham gia các công ước quốc tế trong khi điều kiện kinh tế của các chủ tàu Việt Nam đang còn rất hạn hẹp, khó khăn, ví dụ Công ước Lao động Hàng hải (MLC 2006), trong khi đó phương tiện thủy nội địa không áp dụng MLC 2006; đề nghị tiếp tục tăng cường năng lực bốc dỡ hàng hóa tại các cảng biển để giải phóng tàu nhanh do hiện nay công tác làm hàng tại cảng biển rất chậm, ảnh hưởng rất nhiều đến dôi nhật tàu; kiến nghị giảm các thủ tục kiểm tra tàu biển chồng chéo giữa Cảng vụ hàng hải, Biên phòng và Cảnh sát biển; đề nghị tiếp tục đề xuất chính sách công bằng giữa tàu ngoại và tàu nội khi các cảng biển vẫn ưu tiên cho tàu ngoại, chính sách thuế cũng ưu đãi cho tàu ngoại; đề nghị giảm thuế suất cho tàu vận tải nội địa từ 10% xuống 5% và giảm các loại chi phí liên quan đến hoạt động của tàu biển như phí hàng hải, phí đăng kiểm, phí kiểm dịch, phí cập cầu đối với tàu xuất nhập cảnh (Thực tế chủ tàu gặp nhiều khó khăn khi giá dầu tăng liên tục, phí đăng kiểm tăng gần gấp đôi, phí kiểm dịch tăng gần gấp ba, phí cập cầu đối với tàu xuất nhập cảnh cao hơn nhiều so với tàu chạy tuyến nội địa).
Về cảng biển, đề nghị đẩy nhanh tiến độ nạo vét luồng hàng hải Lệ Môn và các phao tiêu báo hiệu được thắp sáng vào ban đêm; sớm có Nghị định ban hành Quy chế bảo vệ công trình cảng biển và luồng hàng hải; duy tu bảo dưỡng 2 năm/lần đối với luồng hàng hải Nghi Sơn để đảm bảo cao độ đáy -11m và vũng quay tàu 400m.
Về dịch vụ hàng hải, đề xuất các biểu phí và giá dịch vụ của cảng biển phải công bằng, khách quan, không mang tính độc quyền; đề nghị công tác quy hoạch cần phải quan tâm đến các dịch vụ tại cảng. Các cảng biển tại Thanh Hóa không đầu tư tàu lai dắt hỗ trợ tàu biển nên các đại lý tàu biển phải thuê tàu từ nơi khác, do vậy giá dịch vụ tàu lai hỗ trợ cao hơn so với các cảng biển khác.
Theo vinamarine.gov.vn