Từ 7 giờ ngày 6-8, việc nâng giá container của doanh nghiệp nếu lấy container muộn (từ ngày thứ 7 trở đi) sẽ được cảng Cát Lái hủy bỏ và áp dụng lại mức giá cũ
Ngày 5-8, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng chủ trì hội nghị trực tuyến đối thoại với doanh nghiệp (DN) nhằm tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị trong ngành vận tải, cảng biển. Nhiều DN kiến nghị có biện pháp siết việc tăng các loại phí, phụ phí vô lý của hãng tàu nước ngoài; sớm ban hành giá sàn dịch vụ cảng biển để tránh tình trạng loạn giá.
Bỏ nâng giá để hỗ trợ DN
Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết hiện các DN xuất khẩu thủy sản đang gặp rất nhiều khó khăn, hàng bị dồn ứ ở cảng Cát Lái ngày một tăng. Việc tăng một số khoản phí, phụ phí ở cảng Cát Lái từ ngày 15-7 vừa qua đã ảnh hưởng đến lưu thông hàng hóa, tốn thêm chi phí lưu kho bãi, tăng chi phí phát sinh cho DN. Trong khi đó, các hãng tàu nước ngoài đơn phương áp thêm một số loại phí cho DN xuất nhập khẩu. “Các khoản phụ phí chỉ thu khi hãng tàu chở hàng mất cân đối 2 chiều nhưng khi tình hình đã trở lại bình thường, các chủ tàu vẫn thu, thậm chí thu mức cao hơn” - đại diện VASEP bức xúc.
Việc giảm phí ở cảng Cát Lái sẽ giúp doanh nghiệp xuất nhập khẩu giảm chi phíẢnh: HOÀNG TRIỀU
Ông Ngô Minh Thuấn, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (đơn vị quản lý cảng Cát Lái), cho biết từ 7 giờ ngày 6-8, việc nâng giá container giao cho DN nếu lấy container muộn (từ ngày thứ 7 trở đi) sẽ bị hủy bỏ và áp dụng lại mức giá như cũ (trước ngày 15-7) nhằm hỗ trợ DN. “Đây là giải pháp nhằm thúc đẩy DN nhận hàng sớm, giải tỏa hàng ùn ứ tại cảng Cát Lái chứ không phải chúng tôi có ý định thu phí để tăng doanh thu” - ông Thuấn giải thích.
Liên quan đến việc các hãng tàu nước ngoài đơn phương tăng phụ phí, phí “vô tội vạ”, DN kiến nghị cơ quan quản lý cần có biện pháp mạnh tay. Ông Khuất Văn Liêu, đại diện Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam, cho biết từ năm 2001, các chủ hàng trong nước đã phản đối tình trạng loạn phí từ các hãng tàu. Đến năm 2007, bất chấp sự phản đối, các hãng tàu nước ngoài vẫn đơn phương áp dụng và liên tục tăng giá. “Trong khi DN còn nhiều khó khăn, cơ quan quản lý cần nghiên cứu có chính sách cấm các tàu nước ngoài thu phí, phụ phí mà tất cả chuyển vào giá cước” - ông Liêu đề xuất.
Nên áp giá sàn vận tải biển
Nhiều DN cảng biển đề nghị sớm áp dụng mức giá sàn dịch vụ vận tải biển nhằm tránh tình trạng loạn giá. Đại diện Công ty CP Cảng dịch vụ Dầu khí tổng hợp Phú Mỹ (PTSC Phú Mỹ) cho biết hiện số lượng cảng biển trong khu vực nhóm cảng số 5 (cảng khu vực Đông Nam Bộ gồm cụm cảng TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu) ngày một tăng nhưng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cảng lại không tăng tương xứng khiến cung vượt cầu.
Chỉ riêng khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải, đã có 25 cảng biển đang khai thác (trong đó 12 cảng tổng hợp và 13 cảng container) nhưng tỉ lệ lấp đầy công suất còn rất thấp. Đến năm 2020, sẽ có thêm 26 cảng mới theo quy hoạch đi vào hoạt động. Theo đó, giá dịch vụ cảng giảm sâu, giá bốc xếp giảm ngày càng phổ biến, kéo theo hiệu quả của DN cảng thấp.
Theo ông Ngô Minh Thuấn, cần sớm ban hành giá sàn dịch vụ cảng biển cho các cảng khu vực TP HCM và Hải Phòng. Đây là yêu cầu rất cấp thiết, góp phần bình ổn thị trường và đòi hỏi các cảng tập trung vào công nghệ, nâng cao chất lượng dịch vụ mà không phải cạnh tranh bằng giá. Chẳng hạn, container 20 feet có hàng đang áp dụng mức từ 35-42 USD, đề nghị tăng lên 46 USD; container 40 feet có hàng từ 58-62 USD tăng lên 68 USD...
“Việc sớm có giá sàn xếp dỡ hàng hóa dịch vụ vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 tới sẽ giúp DN dễ dàng đàm phán hợp đồng với các hãng tàu nước ngoài” - ông Nguyễn Hùng Việt, Tổng Giám đốc cảng Hải Phòng, đề xuất. Theo ông Thuấn, đối với cảng Cái Mép - Thị Vải, cần ban hành biểu giá sàn mới sau khi quy định số 1661 của Bộ Tài chính hết hiệu lực vào ngày 30-6-2015 và mức giá sàn mới tại cụm cảng này phải cao hơn khu vực TP HCM ít nhất 5%.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cam kết sẽ tập hợp các kiến nghị và có văn bản chính thức gửi các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ, giải quyết ngay các vấn đề còn bất cập mà DN phản ánh.
“Chúng tôi sẽ rà soát lại chiến lược phát triển cảng biển, đội tàu trên cả nước để có báo cáo Chính phủ điều chỉnh, sửa đổi phù hợp với tình hình sắp tới. Tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng, kết nối cảng biển, đường sắt, đường bộ, hàng không để nâng chất lượng dịch vụ vận tải biển và logistic. Việt Nam là một quốc gia biển, các DN kinh doanh trong lĩnh vực biển, hàng hải phải mạnh lên, giàu lên từ biển. Các văn bản quy phạm pháp luật sẽ được xây dựng theo hướng tháo gỡ, tạo điều kiện tốt nhất cho DN hoạt động nhưng bản thân DN cần liên kết nhau, nhất là khi đứng trước lợi ích quốc gia” - ông Thăng nhấn mạnh.
Mất cân đối trong phát triển cảng biển
Theo ông Nguyễn Nhật, Cục trưởng Cục Hàng hải, Việt Nam đã xây dựng 44 cảng biển các loại. Hệ thống cảng biển có khoảng 219 bến cảng với gần 43,6 km cầu cảng và hàng chục khu chuyển tải. “Quá trình đầu tư thiếu đồng bộ giữa hạ tầng cảng và hạ tầng giao thông kết nối kèm theo các chính sách đầu tư khai thác chưa kịp thời dẫn đến tình trạng mất cân đối trong phát triển cảng biển. Có nơi thiếu cầu bến để bốc dỡ hàng hóa, có nơi mật độ cầu bến đưa vào khai thác quá lớn so với nhu cầu, dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh” - ông Nhật nói.
Theo Báo Người Lao Động.