Thông tin này được đưa ra tại “Diễn đàn cá tra Việt Nam” do Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam, Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) Việt Nam và Áo tổ chức chiều 6-8 tại TP HCM.
Theo bà Dương Phương Thảo - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương - tính đến năm 2008, xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang EU tăng rất nhanh với mức tăng trưởng 133,2%/năm, có năm đạt 388%, từ 83 triệu USD lên 581 triệu USD. Tuy nhiên, từ năm 2008 đến nay, kim ngạch giảm nghiêm trọng, từ đỉnh 581 triệu USD năm 2008 còn 385,4 triệu USD năm 2013.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết trong 6 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu cá tra sang EU chỉ đạt 173,12 triệu USD, tiếp tục giảm 9% so với cùng kỳ.
Ba nước nhập khẩu chính cá tra Việt Nam tại EU là Tây Ban Nha, Đức và Hà Lan đã giảm nhập khẩu trung bình khoảng 14.300 tấn trong 3 năm qua; giá xuất khẩu cũng giảm liên tục, từ 2,05 euro/kg năm 2012 xuống 1,76 euro/kg năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014 là 1,74 euro/kg.
Xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang thị trường EU đang có xu hướng giảm Ảnh: CA LINH
Nguyên nhân ngoài các yếu tố khách quan như kinh tế EU khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu còn bị ảnh hưởng do chiến dịch bôi nhọ hình ảnh cá tra Việt Nam của các đối thủ cạnh tranh đã tác động đến tâm lý người tiêu dùng.
Tại diễn đàn, các diễn giả cũng đề cập cụ thể đến những yếu kém nội tại của ngành cá tra Việt Nam như năng lực tài chính yếu, công nghệ chế biến lạc hậu, sản phẩm xuất đi chủ yếu là sản phẩm thô, sơ chế.
Tuy nhiên, cá tra Việt Nam cũng có nhiều cơ hội phát triển bền vững tại thị trường EU. Ông Hòe cho biết người tiêu dùng EU vẫn ưa chuộng cá tra do dinh dưỡng cao, thơm ngon, không có xương ngang, dễ chế biến và giá bán phù hợp.
Tại Việt Nam, ngày càng nhiều chủ ao cá áp dụng quy trình nuôi cá sạch, có chứng nhận bền vững theo yêu cầu của khách hàng. Đồng thời, việc Việt Nam có đầy đủ các quy định, nhất là Nghị định 36 về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra vừa được Chính phủ ban hành là cơ sở để cải thiện chất lượng cá tra một cách căn cơ.
Đại diện Công ty Seafood Connection của Hà Lan (nhà nhập khẩu cá tra Việt Nam từ năm 1999) ủng hộ các quy định mới trong Nghị định 36 về quản lý cá tra vì đây là cơ hội để cải thiện chất lượng cũng như hình ảnh sản phẩm cá tra Việt Nam.
Đại diện Anova, một nhà nhập khẩu tại thị trường EU, cho biết sẵn sàng trả giá cao để mua sản phẩm có chất lượng hơn và quan trọng là sự minh bạch.
Theo quy định mới của EU, từ ngày 13-12-2014, nhà sản xuất phải ghi rõ hàm lượng nước thêm vào cá và trọng lượng sản phẩm không tính phần mạ băng. Do đó, quan trọng là doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải kiểm soát được quy trình chất lượng theo tiêu chuẩn nhất định và tiến tới dán nhãn minh bạch.