Theo kế hoạch của Tổng cục Hải quan, thời gian chuẩn bị khảo sát được thực hiện từ 1-7-2014 đến 28-2-2015; thời gian khảo sát chính thức: Từ 1-3-2015 đến 15-4-2015; thời gian tổng hợp, phân tích và viết báo cáo: Từ 15-4-2015 đến 30-6-2015; thời gian công bố kết quả: Tháng 7 hoặc tháng 8- 2015. |
Theo Ban Cải cách hiện đại hóa hải quan (Tổng cục Hải quan), qua 2 lần thực hiện khảo sát sự hài lòng của DN (năm 2012 và 2013), ngành Hải quan đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi tích cực.
Các ý kiến đã góp phần quan trọng để hoàn thiện các hệ thống văn bản quy phạm về công tác quản lí Nhà nước về hải quan; hoàn thiện và nâng cao chất lượng thực hiện thủ tục hải quan điện tử; tăng cường sự kết nối và quan hệ đối tác Hải quan- DN.
Trong bối cảnh hiện nay, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Tài chính và quyết tâm của lãnh đạo Tổng cục Hải quan trong tiến trình cải cách, đơn giản hóa thủ tục hải quan, giảm thời gian thông quan hàng hóa ngang bằng các nước ASEAN-6, sự đóng góp ý kiến từ thực tế hoạt động của DN càng trở nên hết sức quan trọng. Đây chính là một kênh tham khảo giúp cơ quan Hải quan “sửa mình” để đáp ứng được yêu cầu hội nhập, phát triển của đất nước.
Mục tiêu đặt ra cho đợt khảo sát vào năm 2015 là tập trung vào việc hoàn thiện dịch vụ hải quan, giảm thời gian thông quan và chi phí cho DN; có thêm đánh giá khách quan, thực tế về hoạt động hải quan; xây dựng và củng cố quan hệ đối tác Hải quan - DN… Đặc biệt, đây cũng là cơ sở quan trọng để ngành Hải quan đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa hải quan giai đoạn 2011- 2015 (theo Quyết định 1514/QĐ-BTC ngày 22-6-2011 của Bộ Tài chính).
Đánh giá độc lập
Để đảm bảo tính khách quan của kết quả khảo sát, Tổng cục Hải quan chỉ tổ chức xây dựng nội dung khảo sát (dựa trên các tiêu chí đã được chuẩn hóa trong hệ thống đánh giá của Tổ chức Hải quan thế giới, của Bộ Nội vụ và được hoàn thiện, bổ sung cho phù hợp với thực tế hoạt động của Hải quan Việt Nam). Việc liên hệ để thực hiện khảo sát sẽ được một đơn vị độc lập (ngoài ngành Hải quan) thực hiện. Đại diện Ban Cải cách hiện đại hóa hải quan cho biết: Điều này nhằm giúp kết quả đánh giá có tính thuyết phục và đảm bảo mục đích, yêu cầu đặt ra.
Phạm vi khảo sát sẽ được thực hiện đối với các DN có hoạt động XNK trên phạm vi cả nước và thực hiện 2 nội dung đánh giá. Đó là đánh giá chung về hoạt động của ngành Hải quan và đánh giá cụ thể về hoạt động của từng Cục Hải quan địa phương (trong tổng số 34 Cục Hải quan trên cả nước - PV). Sau khi có kết quả phản hồi của DN, việc tổng hợp, phân tích dữ liệu sẽ được thực hiện trên các hệ thống phần mềm chuyên dụng như Stata, SPSS… để đảm bảo độ chính xác.
Không phân biệt các đơn vị “lớn - nhỏ”
Vấn đề được nhiều đơn vị Hải quan địa phương quan tâm trong nội dung khảo sát lần này chính là việc đánh giá, “chấm điểm” các Cục Hải quan địa phương. Điều này gần như là việc đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Có ý kiến băn khoăn với những đơn vị Hải quan địa phương lớn, số DN, loại hình và lưu lượng hàng hóa XNK nhiều như Cục Hải quan TP. HCM, Hải Phòng, Hà Nội… thì quá trình giải quyết thủ tục, vấn đề cung cấp dịch vụ công… so với nhưng đơn vị có khối lượng công việc ít như Cục Hải quan Điện Biên, Hà Giang, Cà Mau… liệu có đảm bảo khách quan.
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan về vấn đề trên, đại diện Ban Cải cách hiện đại hóa hải quan cho biết: Quá trình xây dựng tiêu chí khảo sát đã được nghiên cứu để đưa ra những thông tin mang tính đại diện không phân biệt đơn vị lớn hay nhỏ, ví dụ tiêu chí về thái độ, tinh thần phục vụ.
Hơn nữa, các đơn vị lớn cũng là những đơn vị được đầu tư, trang bị lớn hơn về cơ sở vật chất, nguồn lực cán bộ (số lượng, chất lượng), ở trên những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển hơn. Ngoài ra, về thời gian giải quyết thủ tục, hiện nay việc tiếp nhận, phân luồng, cấp số tờ khai đã được thực hiện tự động trên Hệ thống VNACCS/VCIS, nên không thể nói rằng đơn vị có nhiều tờ khai sẽ thao tác lâu hơn đơn vị ít tờ khai.
Có chăng ở đây là vấn đề thời gian để xử lí với những tờ khai phải kiểm tra chi tiết hồ sơ (luồng Vàng) hoặc hàng hóa (luồng Đỏ). Và những yếu tố không có sự cân bằng, tương xứng như thế sẽ được xem xét trong quá trình xây dựng tiêu chí khảo sát.
Tổng cục Hải quan cho rằng, mục tiêu quan trọng của việc khảo sát chính là giúp cơ quan Hải quan (cả Tổng cục và các Cục Hải quan địa phương) có thêm cái nhìn thực tế hơn về hoạt động của đơn vị cũng như các đơn vị bạn, qua đó có những biện pháp điều chỉnh trong chỉ đạo, điều hành cho đạt được hiệu quả theo mục tiêu cải cách, hiện đại hóa cũng như phương châm hành động “Chuyên nghiệp- Minh bạch- Hiệu quả” của Ngành.
Theo báo Hải Quan.