Hiện nay, dự thảo Đề án “Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành hàng hóa XNK tại cửa khẩu” đang được lấy ý kiến của các đơn vị Hải quan địa phương và các bộ, ngành. Nhiều đơn vị Hải quan địa phương đã bày tỏ sự đồng tình với các giải pháp đưa ra nhằm nâng cao hiệu quả kiểm tra đối với các mặt hàng thuộc diện đặc biệt này. |
Trước yêu cầu cấp thiết phải đổi mới công tác phối hợp, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK, Tổng cục Hải quan (Cục Giám sát quản lý về hải quan) đã hoàn thiện dự thảo Đề án “Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành hàng hóa XNK tại cửa khẩu”.
Theo Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan Ngô Minh Hải, các giải pháp trong đề án để thực hiện mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK tại cửa khẩu phải đáp ứng yêu cầu vừa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại quốc tế tại cửa khẩu, vừa đảm bảo quản lý chặt chẽ, đúng quy định pháp luật đối với hàng hóa XNK.
Việc phối hợp kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XK, NK tại cửa khẩu phải được phối hợp chặt chẽ với kiểm tra trước khi hàng đến cửa khẩu để XK, NK (kiểm tra tại nước XK đối với hàng NK, hoặc kiểm tra tại cơ sở sản xuất đối với hàng XK) và kiểm tra hàng hóa đưa vào nội địa (trường hợp đối với hàng NK không thể kiểm tra được tại cửa khẩu); lấy mẫu đưa vào trong nội địa để kiểm tra.
Quan điểm của Cục Giám sát quản lý về hải quan là đối với hàng hóa thuộc diện phải kiểm dịch, hóa chất độc hại, thuốc trừ sâu, mặt hàng có khả năng gây ô nhiễm môi trường cần phải kiểm soát chặt chẽ ngay từ khâu NK tại cửa khẩu, phải có sự phối hợp đồng bộ giữa cơ quan kiểm tra với cơ quan Hải quan để ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng, gây ô nhiễm môi trường NK vào Việt Nam, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Đối với lĩnh vực kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm, các bộ, ngành cần sớm xây dựng và công bố các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật làm cơ sở cho các cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ để thực hiện kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm theo quy định; thực hiện khuyến khích tăng cường xã hội hóa tham gia kiểm tra và thừa nhận kết quả kiểm tra đối với các tổ chức, thương nhân có năng lực kiểm tra, nhằm giảm tải cho cơ quan kiểm tra, đồng thời tiết kiệm vốn đầu tư cho các bộ, ngành trong xây dựng bộ máy.
Để đổi mới công tác kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu, theo ông Hải, ngoài việc hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động này thì cần phải đổi mới về phương pháp kiểm tra chuyên ngành. Các bộ cần giảm số lượng hàng hóa tại Danh mục hàng hóa phải kiểm tra trước khi thông quan để kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, đạt kết quả cao. Tăng cường biện pháp để thực hiện kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK tại 3 thời điểm khác nhau.
Kiểm tra tại nước XK: Đối với hàng hóa có quy định kiểm tra tại nước XK (điều kiện nuôi trồng, sản xuất, giống…) thực hiện kiểm tra hàng hóa hoặc căn cứ vào giấy chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền của nước XK để miễn, giảm kiểm tra khi NK vào Việt Nam. Kiểm tra tại nước NK: Chỉ áp dụng bắt buộc đối với trường hợp hàng hóa có độ rủi ro cao, không có chứng nhận của nước XK… thì mới kiểm tra tại cửa khẩu nhập. Kiểm tra hàng hóa trước khi đưa ra lưu thông, sử dụng đối với hàng hóa có độ rủi thấp.
Ngoài ra, các bộ, ngành nên áp dụng quản lý rủi ro kiểm tra xác suất hoặc ủy quyền cho Trung tâm Phân tích phân loại hàng hóa XNK thuộc Tổng cục Hải quan thực hiện việc kiểm tra đối với những loại hàng hóa mà Trung tâm có khả năng thực hiện nhằm rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa XNK phải kiểm tra chuyên ngành.
Đưa về một mối
Dự thảo Đề án đưa ra phương án tăng cường đầu tư máy móc, trang thiết bị và nguồn nhân lực cho các đơn vị kiểm tra chuyên ngành và tổ chức hoạt động kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu với hai giai đoạn. Trong đó, mục tiêu hướng đến là xây dựng Trung tâm kiểm tra chuyên ngành tại các khu vực cửa khẩu lớn có lưu lượng hàng hóa XNK thuộc diện kiểm tra chuyên ngành nhiều. Giai đoạn từ nay đến 2020 sẽ tập trung xây dựng 2 trung tâm tại khu vực cảng Hải Phòng, TP. HCM và 3 Trung tâm kiểm tra chuyên ngành tại khu vực cửa khẩu đường bộ thuộc địa bàn Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai.
Giai đoạn 1 (từ 2015 đến 2017) tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các tổ chức kiểm tra chuyên ngành hiện nay. Đối với Trung tâm Phân tích phân loại hàng hóa XNK thuộc Tổng cục Hải quan, để đảm bảo thống nhất quản lý chất lượng hàng hóa XNK, giảm thời gian thông quan tại cửa khẩu, đồng thời tránh phải đầu tư trùng lắp nhiều thiết bị, gây lãng phí, cần tăng cường năng lực cho Trung tâm để vừa thực hiện việc phân tích hàng hóa phục vụ việc áp mã số hàng hóa, vừa phân tích, giám định phục vụ yêu cầu kiểm tra chuyên ngành hàng hóa XNK trên cơ sở các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật do các bộ quản lý ngành, lĩnh vực có thẩm quyền ban hành.
Đối với các bộ quản lý chuyên ngành, yêu cầu cần thiết là kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu phải áp dụng quy trình tối ưu để ra kết quả kiểm tra nhanh và chính xác, góp phần rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa. Đồng thời, định hướng các DN NK hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành nên đi qua các cửa khẩu có cơ quan kiểm tra để kiểm tra và thông quan nhanh hàng hóa.
Trong đó, đối với hàng hóa thuộc diện phải kiểm dịch, hóa chất độc hại, thuốc trừ sâu, các mặt hàng có khả năng ô nhiễm môi trường phải được kiểm tra chặt chẽ tại cửa khẩu trước khi thông quan. Để thực hiện điều này Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế bố trí đầy đủ máy móc, phương tiện và nhân lực tại cửa khẩu để thực hiện kiểm tra.
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu, Đề án đưa ra định hướng giai đoạn 2018-2020 sẽ thành lập tổ chức bộ máy kiểm tra chuyên ngành chung tại cửa khẩu. Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng cơ sở hạ tầng, bố trí máy móc, thiết bị phục vụ việc kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu, bao gồm cả việc kiểm tra thực tế của cơ quan Hải quan và kiểm tra chuyên ngành của các cơ quan nhà nước khác tại các cửa khẩu quốc tế có lưu lượng hàng hóa XNK lớn.
Hàng hóa XNK phải kiểm tra chuyên ngành đi qua các cửa khẩu trong khu vực hoặc cửa khẩu thuộc các vùng lân cận được lấy mẫu về trung tâm kiểm tra chuyên ngành gần nhất để kiểm tra và ra kết quả kiểm tra, phục vụ thông quan nhanh. Trong thời gian chờ kết quả kiểm tra, hàng hóa được lưu tại cửa khẩu hoặc đưa về các địa điểm chịu sự giám sát hải quan.
Theo báo Hải Quan.