Theo thống kê của Cục Hàng hải VN, năm 2014 số lượng tàu biển của Việt Nam bị lưu giữ tại cảng biển nước ngoài chỉ còn 3,49%. Kết quả này khiến không những đội tàu biển Việt Nam thoát khỏi “danh sách đen” mà còn bỏ qua “danh sách xám” để bước thẳng vào “danh sách trắng” của Tokyo MOU, sau 15 năm là thành viên của tổ chức này.
Các cảng vụ đã thực hiện kiểm tra 822 lượt tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế và đã phát hiện 743 lượt tàu có khiếm khuyết với tổng số 9.309 khiếm khuyết, yêu cầu khắc phục. Thông qua đó, năm 2014 sản lượng hàng hoá qua hệ thống cảng biển VN ước đạt 370,3 triệu tấn (tăng 14%) trong đó hàng container đạt 10,24 triệu TEUs (tăng 20%).
Cục trưởng Hàng hải VN Nguyễn Nhật khẳng định: Nhờ việc sớm áp dụng dịch vụ công trực tuyến suốt thời gian dài trước đó mà hàng hải là ngành sớm nhất có thể thực hiện kết nối với cổng thông tin điện tử quốc gia. Toàn bộ 73 thủ tục hành chính của Cục Hàng hải VN đã triển khai thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến và tiếp tục rà soát, đơn giản hóa và bãi bỏ các TTHC không còn phù hợp. Từ đây sẽ không còn cảnh DN đến “xin” mới được làm thủ tục.
Qua đó, năm 2014, tổng sản lượng vận tải của đội tàu biển VN thực hiện ước đạt 98,5 triệu tấn (tăng 0,13%). Tuy vậy, thị phần vận tải hàng hoá bằng đường biển hiện nay thấp so với các phương thức vận tải khác, chỉ đạt 19% tổng số và trong khi đó vận tải khách không đáng kể. Tỉ trọng này không xứng với tiềm năng, thế mạnh của vận tải biển. Do vậy ngành hàng hải cần phải đào tạo nhân lực, sĩ quan thuyền viên và đội ngũ quản lý. Chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo triển khai đảm bảo chất lượng và tiến độ các dự án hàng hải đã được phê duyệt.
Thay đổi từ tư duy
Đại diện cảng vụ TPHCM cho rằng cần phải đầu tư công nghệ thông tin nhằm giảm các thủ tục và thời gian đặc biệt là các hoạt động của đội tàu biển tuyến nội địa. Hiện đội tàu Việt Nam đảm nhận gần như 100% lượng hàng nội địa đường biển. Riêng tàu container, sau hơn một năm thực hiện chính sách trên, số lượng tàu vận tải nội địa đã tăng từ 19 lên trên 30 tàu. Cùng đó, vận tải đường bộ đang “siết chặt” tải trọng, đây là cơ hội cho vận tải ven biển. Hiện số tàu sông pha biển (SB) tăng nhanh chóng, hiện 250 tàu trọng tải từ 500 đến 5.000 tấn đang hoạt động trên các tuyến ven biển. Theo thống kê, từ tháng 7.2014 - 11.2014, lượng hàng tàu SB vận chuyển trong khu vực từ Quảng Ninh đến TT - Huế đạt gần 700.000 tấn với khoảng 500 lượt tàu chạy.
Trưởng phòng Vận tải Cục Hàng hải Trịnh Thế Cường cho rằng việc triển khai tuyến “sông pha biển”, tạo cơ hội cạnh tranh vận tải lớn hơn, đồng thời “đánh thức” các cảng nội địa đường thuỷ từ lâu chưa được tận dụng khai thác. Mặt khác, mức giá vận tải đường thuỷ rẻ bằng 1/4 giá đường bộ, nên thế mạnh rất lớn. Hiện nhiều tàu vận tải biển cũng đang xin cho phép chạy tuyến này.
Bộ Trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã yêu cầu ngành hàng hải cần phải cải cách, mà cải cách đó là từ tư duy. Phải đặt mình là người dân, là doanh nghiệp mới thông suốt được. Do vây phải nghiên cứu làm thế nào để tăng được thị phần hàng hải, tăng năng lực khai thác cảng biển và khẳng định chủ quyền Việt Nam. “Việc tạo cơ chế thông thoáng để đẩy mạnh cổ phần hoá, các dịch vụ công mà tư nhân có thể làm được, hãy để tư nhân làm, DN làm sẽ hiệu quả hơn, đặc biệt ở trong khối cảng biển”, ông Thăng nhấn mạnh.
Theo Lao động.