Theo ông Nguyễn Nhật, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, năm 2014, là năm đã có nhiều đột phá mới trong cải cách hành chính, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trước sự suy thoái, cũng như trước sự phát triển trồi sụt, không bền vững.
Theo đó, việc sớm áp dụng dịch vụ công trực tuyến giúp hàng hải Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp hàng hải có thể thực hiện kết nối với cổng thông tin điện tử quốc gia. Toàn bộ 73 thủ tục hành chính của Cục Hàng hải VN đã được trực tuyến đồng bộ, đồng thời đã được đơn giản hóa, dễ dàng có thể tiếp cận. Trong năm 2014, Cục đã bãi bỏ 7 thủ tục hành chính không còn phù hợp, tạo niềm tin cho doanh nghiệp đến làm thủ tục, không phải lo "chạy cửa” hay bị gây nhiễu.
"Cơ chế một cửa quốc gia và dịch vụ công trực tuyến đã giúp doanh nghiệp vận tải biển có thể tiết kiệm được hàng nghìn USD mỗi lần cập cảng. Với hàng hải, tiết kiệm thời gian từ các thủ tục xuất, nhập cảnh, quá cảnh là điều tối quan trọng. Hiện nay, các công đoạn này đã được thu về một đầu mối, được xử lý trực tuyến từ trên bờ. Do vậy, hàng hóa sẽ được xếp dỡ ngay khi tàu câp hoặc xuất cảng”, ông Nguyễn Nhật nhấn mạnh.
Theo lộ trình, trong năm 2015, mô hình này sẽ tiếp tục mở rộng tại Hải Phòng, Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, cho 50 doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Đến tháng 6-2015, sẽ triển khai tại tất cả 25 cửa khẩu cảng biển cho tất cả các doanh nghiệp có đăng ký tham gia. Tiến tới sẽ trở thành yêu cầu bắt buộc nhằm thực hiện Công ước tạo điều kiện thuận lợi mà Hàng hải đã ký kết với các nước ASEAN.
Trong năm 2014, Bộ GTVT, Cục Hàng hải đã tổ chức 2 Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp hàng hải, tháo gỡ nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp. Theo ông Bùi Thiên Thu, Phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, hiện nay, đội tàu Việt Nam gần như đảm nhận 100% lượng hàng nội địa đường biển. Riêng tàu container, sau hơn một năm thực hiện chính sách phát triển bền vững, số lượng tàu vận tải nội địa đã tăng từ 19 lên trên 30 tàu. Tổng sản lượng vận tải đội tàu Việt Nam năm 2014 ước đạt 98,5 triệu tấn, tăng trưởng nhẹ so với năm 2013 (0,13%). Lượng hàng thông qua nhóm cảng số 1 tiếp tục tăng trưởng ổn định, đạt 120,3 triệu tấn (tăng 13%), chiếm 33% của cả nước. Nhóm cảng số 5 đạt 162 triệu tấn (tăng 14%), chiếm 44%. Sản lượng container khu vực Hải Phòng đạt 3,36 triệu TEUs (tăng 18%), khu vực TP Hồ Chí Minh đạt 4,98 triệu TEUs (tăng 6%). Tuy nhiên, để hướng ra thị phần vận chuyển ngoài quốc gia, các đội tàu cần được tiếp tục mở rộng, tạo thị phần, quan trọng là chất lượng dịch vụ.
Ông Thu nhấn mạnh: một trong những bước ngoặt năm 2014 là Cục Hàng Hải Việt Nam đã triển khai khai thác đường tuyến "sông pha biển”, nhờ đó, nhiều hàng hoá đã đi đường thuỷ, giảm rất nhiều áp lực vận tải cho đường bộ. Số tàu SB (tàu chạy cả đường sông và đường biển) tăng nhanh chóng, hiện có 250 tàu trọng tải từ 500 đến 5 nghìn tấn đang hoạt động trên các tuyến ven biển. Tính từ tháng 7 đến 11-2014, lượng hàng tàu SB vận chuyển trong khu vực từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên - Huế đạt gần 700 nghìn tấn với khoảng 500 lượt tàu.
Đây cũng có thể coi là sự đột phá, làm tiền để trong năm 2015, để các doanh nghiệp vận tải biển có cơ hội cạnh tranh, đồng thời quan trọng hơn sẽ "đánh thức” các cảng nội địa đường thuỷ lâu nay chưa được tận dụng khai thác.
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho rằng, năm 2014 đã cải cách đường thủy, nhưng để có một cuộc "cách mạng” thực sự ngoài cải cách tư duy, phải biến sự đột phá thành hành động, để tăng thị phần hàng hải, tăng năng lực khai thác cảng biển và khẳng định chủ quyền Việt Nam. Năm 2015, Cục Hàng hải Việt Nam cần tiếp tục tạo cơ chế thông thoáng, đẩy mạnh cổ phần hoá, các dịch vụ công. Thế mạnh về vận tải biển cần được củng cố và khẳng định hơn nữa.
Theo Đại đoàn kết.
|