Hàng ngàn con tàu hoạt động tại Trung Quốc đang thải ra một hỗn hợp các chất gây ô nhiễm khi một con tàu có thể tạo ra lượng chất gây ô nhiễm của 500.000 chiếc xe tải mỗi ngày, theo như báo cáo của Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên thiên nhiên (NRDC) có trụ sở ở New York cho biết.
Theo nghiên cứu ở Hồng Kông và tỉnh Thâm Quyến, “Trung Quốc đang phải hứng chịu hậu quả từ các chất gây ô nhiễm của tàu thuyền… Khoảng 1,2 triệu người chết ở Trung Quốc năm 2010 vì ô nhiễm không khí. Giao thông đường thủy là một nguồn gây ô nhiễm không khí lớn cũng như các vấn đề về sức khỏe…”
Khí thải từ một tàu du lịch
Bảy trong số 10 cảng lớn nhất thế giới nằm ở Trung Quốc, với hơn 25% lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển đi qua nước này, và những thành phố ven biển nổi tiếng vì bị ô nhiễm nặng như Quảng Châu, Thượng Hải và Thâm Quyến nằm trong số những thành phố đông dân nhất.
Theo báo cáo của NRDC, “tàu biển có khả năng đốt nhiên liệu rồi thải ra môi trường mức độ lưu huỳnh lớn gấp 100 đến 3500 lần so với động cơ diesel cho xe hơi, một chiếc tàu chở container đi dọc theo bờ biển Trung Quốc thải ra lượng khí thải diesel bằng 500.000 chiếc xe tải trong một ngày”.
Phần lớn tàu thuyền ở Trung Quốc sử dụng loại bình nhiên liệu rẻ tiền có mức độ lưu huỳnh cao và các phương tiện trên cảng cũng như máy móc đều chạy bằng động cơ diesel. Lượng khí thải tổng hợp từ tàu thuyền và các cảng biển chứa hạt vật chất diesel ở mức độ cao, cũng như NO2 và SO2 . Những khí thải này có thể gây ung thư và là tác nhân của nhiều loại bệnh về đường hô hấp, tim mạch. Nhưng đến nay vẫn có rất ít biện pháp đối với tình trạng này và mới chỉ có một vài thành phố bắt đầu lên kế hoạch giải quyết vấn đề ô nhiễm.
Hồng Kông đang tăng cường nghiêm ngặt tiêu chuẩn về khí lưu huỳnh cho tàu thuyền tại đây, trong khi Thâm Quyến cũng đã công bố kế hoạch làm sạch. Nhiều thành phố cảng và tỉnh khác như Thượng Hải, Thanh Đảo, Quảng Đông, Giang Tô và tỉnh Sơn Đông đã lên kế hoạch khai thác năng lượng ở bờ biển, điện khí hóa máy móc ở cảng và sử dụng xe tải chạy bằng điện hoặc nhiên liệu sinh học.
Nước biển đầy váng dầu của cảng Đại Liên
Nhưng bài báo cáo cũng đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của những kế hoạch đó khi chúng vẫn chưa chi tiết và chưa thống nhất về mục đích, quy chế xử phạt và khen thưởng đối với những nhà quản lý cảng biển và chính quyền thành phố.
Trên thế giới, luật môi trường dành cho tàu thuyền được giám sát bởi Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO). Nhưng trong khi tổ chức này đã giảm được tình trạng ô nhiễm bằng cách thành lập những vùng kiểm soát khí thải ở châu Mỹ và châu Âu, những nơi sử dụng nhiên liệu có nồng độ lưu huỳnh thấp theo tiêu chuẩn, thì châu Á vẫn chưa được để mắt tới. Và vấn đề chính là các cảng biển ở Trung Quốc sẽ không thành lập những vùng kiểm soát khí thải vì lí do làm suy giảm thương mại.
Bản báo cáo viết “Trừ khi các thành phố có cảng biển phối hợp trong những biện pháp kiểm soát khí thải cấp khu vực, mối lo ngại rằng tàu thuyền sẽ chuyển đến những cảng biển ít qui định hơn có thể khiến những thành phố cảng không muốn áp dụng những phương pháp nghiêm khắc hơn… Nếu những quy định khiến tàu thuyền chuyển sang những cảng khác, điều đó cũng sẽ khiến cho sự ô nhiễm chuyển từ nơi này sang nơi khác và làm suy giảm đáng kể hiệu quả chung của những cảng không bị ô nhiễm và giải pháp cho tàu thuyền đã được sử dụng trước đó”.
Theo mt.gov.vn