|
Trong năm 2014, số lượt tàu biển Việt Nam bị lưu giữ ở nước ngoài đã giảm rõ rệt và có những bước chuyển biến. Các cơ quan chức năng đã và đang đưa ra kế hoạch và biện pháp đưa tàu biển Việt Nam thoát khỏi danh sách đen bị lưu giữ nhằm nâng cao vị thế và uy tín trong lĩnh vực hàng hải.
Theo báo cáo của Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), trong năm 2014, tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương (Tokyo-MOU), có 26 lượt tàu Việt Nam bị lưu giữ trên tổng số 732 lượt tàu được kiểm tra Nhà nước cảng biển (PSC) chiếm tỷ lệ 3,55%, giảm so với năm 2013 là 6,13%.
Một điều rất đáng lưu ý là có đến 20/26 lượt tàu Việt Nam bị lưu giữ trong năm 2014 là do Chính quyền cảng Trung Quốc thực hiện tại các cảng thuộc các địa phương liền kề nước ra (Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam).
Trên phạm vi tòa cầu, Việt Nam có 1 tàu bị lưu giữ ở khu vực Tây Âu-Bắc Đại Tây Dương (Paris-MOU) và 5 tàu bị lưu giữ tại khu vực Ấn Độ Dương (Indian Ocean-MOU).
So với năm 2013, Việt Nam đã giảm được 21 lượt tàu bị lưu giữ PSC ở nước ngoài. Đặc biệt, trong tháng Chín và tháng 12, không có tàu biển nước ta bị lưu giữ. So với các nước trong khu vực, Việt Nam có tỷ lệ tàu biển lưu giữ thấp hơn.
Bảng thống kê tàu biển Việt Nam bị lưu giữ PSC năm 2014.
"Đề án đưa đội tàu biển Việt Nam ra khỏi danh sách đen Tokyo-MOU vào cuối năm 2014 đã được thực hiện khá thành công. Tuy nhiên, kết quả này chưa thực sự bền vững và cần được tiếp tục có những cải tiến trong những năm tiếp theo," Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Vũ Hồng Hải nhìn nhận.
Nhằm giảm thiếu tàu biển lưu giữ PSC, Cục Đăng kiểm phối hợp cùng với các bên liên quan xây dựng các tiêu chí mới về các chủ tàu và tàu biển có nguy cơ cao về lưu giữ phù hợp với hệ thống kiểm tra tàu mới của Tokyo-MOU; thông báo danh sách các tàu bị lưu giữ; hỗ trợ các chủ tàu và thuyền trưởng phát hiện và khắc phục các khiếm khuyết về an toàn, an ninh hàng hải.
Cục Đăng kiểm cũng nâng cao chất lượng giám sát kỹ thuật tàu biển thông qua việc tăng cường kiểm tra, giám sát trong tất cả các khâu thẩm định thiết kế tàu; chứng nhận máy, vật liệu, trang thiết bị đóng tàu; giám sát tàu trong quá trình đóng mới; đánh giá và chứng nhận quản lý an toàn, an ninh lao động đối với tàu chạy tuyến quốc tế; tăng cường kiểm tra, giám sát, hậu kiểm, kiểm tra chéo để xác định nguyên nhân, trách nhiệm của tổ chức và cá nhân liên quan đến việc tàu bị lưu giữ để có biện pháp xử lý và các hành động khắc phục, phòng ngừa cần thiết.
Bên cạnh đó, Cục Đăng kiểm quy trách nhiệm xử lý kỷ luật nghiêm một số đăng kiểm viên và đơn vị đăng kiểm liên quan đến khiếm khuyết dẫn đến việc tàu bị lưu giữ; làm rõ trách nhiệm của các Cảng vụ hàng hải có tàu xuất cảnh từ khu vực mình quản lý đi nước ngoài bị lưu giữ.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, một trong những giải pháp quan trọng là việc chỉ đạo các Cảng vụ hàng hải kiểm tra nghiêm ngặt các tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế. 100% tàu biển trước khi rời cảng Việt Nam đi nước ngoài, nhất là các tàu đã từng bị lưu giữ qua kiểm tra PSC phải được kiểm tra; kiên quyết không cho phép tàu Việt Nam rời cảng khi chưa khắc phục hết các khiếm khuyết./.
Việt Nam chính thức là thành viên của Tokyo-MOU từ ngày 1/1/1999. Tuy nhiên, theo báo cáo của Cục Hàng hải Việt Nam, trong 10 năm qua, nước ta liên tục nằm trong danh sách đen của Tokyo-MOU về việc tàu biển Việt Nam có tỷ lệ bị lưu giữ cao ở nước ngoài.
Theo VIETNAM+
|