Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được kỳ vọng sẽ làm tăng khoảng 75% hàng hóa Việt Nam vào EU đến năm 2020.
Những lĩnh vực Việt Nam chưa cam kết khi tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), gồm đầu tư, mua sắm chính phủ, phát triển bền vững, năng lượng tái tạo..., tới đây sẽ phải đưa vào cam kết và bị điều chỉnh bởi EVFTA.
EVFTA được kỳ vọng sẽ làm tăng khoảng 75% hàng hóa Việt Nam vào EU đến năm 2020.
Đánh giá ảnh hưởng của EVFTA đối với Việt Nam, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương), chuyên gia dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) cho rằng, Việt Nam đang tham gia đàm phán nhiều hiệp định thương mại tự do, trong đó EVFTA được đánh giá là hiệp định toàn diện, chất lượng cao theo tiêu chuẩn WTO.
Những lĩnh vực Việt Nam đã cam kết khi tham gia WTO sẽ có mức cam kết sâu rộng hơn, như thương mại hàng hóa, dịch vụ, hàng rào kỹ thuật.
Đặc biệt, đối với những lĩnh vực Việt Nam chưa cam kết trong WTO, gồm đầu tư, mua sắm chính phủ, phát triển bền vững, năng lượng tái tạo..., sẽ phải đưa vào cam kết và bị điều chỉnh bởi EVFTA.
Theo đó, EVFTA dự kiến sẽ có những đặc thù nổi trội như thúc đẩy đầu tư và cải tiến công nghệ, nhờ đó tăng năng suất và tăng đầu ra cho sản phẩm.
Đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, cũng cho rằng, EVFTA ngoài việc loại bỏ thuế quan và những rào cản phi thuế quan, sẽ còn giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến thương mại như pháp lý, cạnh tranh, quyền sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý hàng hóa.
Mới đây, tại hội thảo Hỗ trợ các chủ thể phi nhà nước tham gia Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU do Trường Đại học Ngoại thương và Viện Konrad Adenauer Stiftung Việt Nam (KAS) tổ chức tại TP.HCM.
TS. Vũ Huyền Phương, Trường Đại học Ngoại thương, dự báo, EVFTA được kỳ vọng sẽ làm tăng khoảng 75% hàng hóa Việt Nam vào EU đến năm 2020.
Điều này sẽ giúp sản xuất được mở rộng, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, có nhiều cơ hội việc làm... Đặc biệt, xuất khẩu lao động từ Việt Nam ra nước ngoài cũng được kỳ vọng sẽ tăng đột biến.
Tại hội thảo, các chuyên gia còn đánh giá tác động của EVFTA như là "công cụ” khai thông con đường xuất khẩu cho hàng hóa Việt Nam vào EU, khi các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng xuất khẩu như giá nhân công, tài nguyên đã bão hòa.
Dự kiến khi thực thi EVFTA, thuế suất trung bình cho hàng hóa Việt Nam vào EU là khoảng 7%.
Viễn cảnh tốt đẹp được dự báo là vậy, song tại hội thảo trên, các chuyên gia cũng chỉ ra không ít thách thức mà phía Việt Nam sẽ phải nỗ lực để vượt qua, trong đó có quy trình tự chứng nhận xuất xứ.
Đây được xem là nỗi lo của không ít doanh nghiệp (DN) thuộc các ngành hàng có thế mạnh xuất khẩu như dệt may, da giày, gỗ, thủy sản... dù các ngành này được dự báo có khả năng hưởng lợi nhiều nhất từ EVFTA.
Bởi mức độ mở rộng năng lực sản xuất của Việt Nam đóng vai trò quyết định đến mức tăng tổng thể về xuất khẩu có đáng kể hay không trong việc đáp ứng nhu cầu gia tăng của EU.
Thực hiện EVFTA, DN và cả nông dân Việt Nam sẽ phải chấp nhận sự cạnh tranh trực diện với các sản phẩm nhập khẩu từ EU.
Điều đáng nói nữa là sức ép cạnh tranh trên thị trường nội địa, năng lực đáp ứng các quy định nhập khẩu, khả năng kinh doanh, cập nhật thông tin, dự báo thị trường... là những vấn đề mà DN Việt Nam cần phải cải thiện nhanh hơn nữa để hòa cùng xu hướng hội nhập kinh tế thế giới.
Với tham vọng không chỉ về mở cửa thị trường mà cả những vấn đề về đầu tư, môi trường, cạnh tranh, phát triển bền vững, EVFTA nếu được ký kết sẽ có tác động rất lớn đến từng ngành và toàn bộ nền kinh tế Việt Nam.
Song, ở góc độ là nhà kinh doanh, các DN vẫn kỳ vọng sự hỗ trợ từ phía các nhà làm chính sách để giúp họ nắm rõ những thông tin liên quan đến các FTA, nhằm chuẩn bị chiến lược cũng như tạo sự chủ động trong "cuộc đua" sắp đến.
Theo BÁO DOANH NHÂN SÀI GÒN ĐIỆN TỬ