Chỉ cần nhìn vào những con số như: diện tích biển gấp 3 lần đất liền, 83% dân số sống trong vùng duyên hải...
Chỉ cần nhìn vào những con số như: có diện tích biển gấp 3 lần đất liền, 83% dân số sống trong vùng duyên hải (trong khi bình quân của thế giới chỉ là 39%), hơn 3 nghìn hòn đảo nằm trên đường hàng hải quốc tế, có hàng chục cảng biển sâu... đủ để thấy tiềm năng phát triển kinh tế biển của Việt Nam như thế nào.
Cũng vì lẽ đó, ngành kinh tế biển đang được kỳ vọng trở thành ngành mũi nhọn, vươn lên vị trí số một trong thứ tự phát triển các ngành kinh tế.
Trong chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 cũng đề ra mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh từ biển, giàu lên từ biển, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá làm cho đất nước giàu mạnh”. Theo đó, kinh tế biển phấn đấu đóng góp khoảng 53 - 55% tổng GDP. Trước tình hình biển Đông đang có những diễn biến phức tạp hiện nay, việc phát triển kinh tế biển còn góp phần quan trọng vào việc bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Với kỳ vọng rất lớn phát triển kinh tế biển như vậy, ngành Hàng hải dù đang gặp những khó khăn, thách thức nhưng cũng đứng trước một cơ hội lịch sử để vươn ra biển lớn. Để thực hiện mục tiêu chiến lược ấy, một trong những giải pháp trước tiên, mang tính mở đường là phải hoàn thiện cơ chế, thể chế, chính sách, trong đó Bộ luật Hàng hải phải được coi là bước đột phá, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế.
Nhận thức được tầm quan trọng ấy, trong suốt thời gian qua, Bộ GTVT đã tích cực xây dựng Luật Hàng hải dựa trên tinh thần của Hiến pháp 2013. Theo đó, người dân sẽ được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm. Bên cạnh đó là những cơ chế khuyến khích đầu tư, khai thác hay mô hình tổ chức đặc biệt tại các cảng biển lần đầu tiên được bổ sung, đề cập trong dự thảo.
Cùng với những chính sách vĩ mô, việc cải cách hành chính và thủ tục hành chính cũng là một trong những điểm đột phá. Còn nhớ trong suốt quá trình xây dựng dự thảo, đích thân Bộ trưởng Đinh La Thăng đã nhiều lần nhấn mạnh: “Soạn thảo Luật Hàng hải phải trên tinh thần tuân thủ Hiến pháp, cải cách hành chính, thủ tục hành chính. Những thủ tục nào không cần thiết phải kiên quyết loại bỏ. Phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp..”. Có lẽ cũng từ tinh thần quyết liệt ấy mà dự thảo Luật Hàng hải đã được nâng lên, đặt xuống, rà soát, chỉnh sửa nhiều lần để có được bản dự thảo hoàn thiện trình Quốc hội tại kỳ họp này để thảo luận, xem xét thông qua.
Với những sửa đổi, bổ sung mang tính đột phá, Bộ luật Hàng hải mới được kỳ vọng sẽ trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy ngành kinh tế biển vươn lên chiếm lĩnh vị trí số một của nền kinh tế, tương xứng với tiềm năng và vị trí của một quốc gia biển.
Theo báo Giao thông.