|
Bất chấp nguy hiểm, những con tàu vận tải thủy được cơi nới tạm bợ chở gỗ dăm từ các tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hòa Bình, Vĩnh Phúc vẫn “lọt lưới” kiểm tra của cơ quan chức năng để tập kết về cảng Cái Lân (Quảng Ninh), cảng Hải Phòng…
Tấp nập trên sông
Rạng sáng, từ huyện Sơn Dương (Tuyên Quang), những con tàu không tải quy mô lớn bắt đầu lướt nhẹ trên dòng sông Lô đổ về huyện Đoan Hùng (Phú Thọ). Đoan Hùng được giới kinh doanh mặt hàng này cho hay là nơi tập kết quy mô của các cơ sở sản xuất gỗ dăm xuất khẩu.
Tại huyện Ba Vì (Hà Nội), do có lợi thế nằm cạnh sông Đà nên tập trung nhiều bến cảng bốc dỡ hàng hóa, trong đó có các cơ sở chế biến gỗ dăm. Gỗ dăm sau khi chế biến được chuyển ra cảng Minh Châu và một số cảng tại khu vực này để theo băng chuyền đổ xuống những con tàu đang nằm ở mép sông chờ nhận hàng. Bà Hoàng Thị Mến, một người dân bản địa cho biết, hàng ngày trên sông Đà, tàu chở gỗ dăm qua đây nhiều lắm, hoạt động suốt ngày đêm.
Theo quan sát của chúng tôi, bến đò Minh Châu là nơi hợp lưu của sông Đà, sông Hồng và sông Lô nên tàu thuyền hoạt động tấp nập suốt ngày đêm. Ngoài những con tàu vận chuyển vật liệu xây dựng như cát, sỏi thì “đội quân” tàu chở gỗ dăm mỗi ngày cũng đóng góp vào sự náo nhiệt của các phương tiện đường thủy trên các con sông.
Chỉ một khoảng thời gian ngắn nhưng phóng viên đã chứng kiến hai tàu vận tải thủy biển kiểm soát PT-929 và NĐ-2069 chở đầy ắp gỗ dăm, tròng trành theo dòng nước trên đoạn sông Hồng để hướng về cảng lớn.
Xâm nhập “đại bản doanh” của gỗ
Những người có kinh nghiệm làm gỗ cho biết, những địa điểm sản xuất gỗ dăm lớn nhất miền Bắc được tập trung tại các tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ, Hòa Bình.
Giữa trưa nắng nhưng các cơ sở sản xuất tại thôn 8 (hay còn gọi là thôn Tiền Phong), xã Hùng Long (huyện Đoan Hùng, Phú Thọ) công nhân vẫn không nghỉ tay để kịp đưa gỗ dăm xuống băng chuyền cho kịp các chuyến tàu đang cập bến sông Lô.
Ngoài những điểm sản xuất quy mô nhỏ, ở đây còn là địa điểm kinh doanh của nhiều doanh nghiệp lớn chuyên xuất bán gỗ dăm như Công ty Sản xuất gỗ dăm Vina Chip Tây Bắc, Công ty TNHH Chế biến gỗ và Lâm sản Phú Thọ, doanh nghiệp thu mua và chế biến dăm gỗ như Doanh nghiệp Hương Anh, Công ty Hiển Anh. Theo quan sát của phóng viên, riêng tại xã Hùng Long đã tập trung từ 10 – 15 xưởng chế biến, thu mua gỗ và gỗ dăm với khối lượng lớn, từng đống gỗ, từng ụ gỗ dăm được chất cao ngất.
Là địa điểm cung cấp gỗ dăm khối lượng lớn ở cạnh sông Đà nên hàng ngày xã Hùng Long đón nhận lượng tàu vận tải thủy đến đây mua hàng rất lớn. Đặc biệt, những con tàu này đều được cơi nới boong bằng những thanh củi nhỏ, quây xung quanh bằng lưới và số lượng gỗ từ băng chuyền của các xưởng sản xuất trên bờ đổ xuống chất đầy ắp. Sau nhiều giờ đồng hồng chờ đợi, tàu vận tải thủy biển kiểm soát PT -1536 và tàu HD-1499 đã lấy đủ lượng gỗ dăm. Cả hai con tàu trọng tải lớn này đều được cơi nới boong một cách tạm bợ để chở được nhiều gỗ nhất có thể.
Bênh cạnh xã Hùng Long là xã Sóc Đăng, cũng là địa điểm thu mua và xuất gỗ dăm với số lượng lớn. Theo ghi nhận, địa phương này cũng là nơi tập kết các xưởng sản xuất gỗ dăm, hàng ngày đón rất nhiều tàu thủy chở hàng để xuôi sông ra biển.
Không kém cạnh cảng điểm sản xuất gỗ dăm ở Phú Thọ, cảnh “trên bến, dưới thuyền” với hoạt động tấp nập của tàu vận tải thủy cũng xuất hiện rầm rộ ở khu vực bến Chi Nê của sông Bôi (thôn Hoàng Đồng, xã Khoan Dụ, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình)…
|
Băng chuyền đang “nhả” gỗ dăm xuống tàu biển kiểm soát HD– 1499 đang nằm dưới sông sông Lô (xã Hùng Long, Đoan Hùng) |
Làm ngơ cho tàu cơi nới?
Có mặt tại cảng Cái Lân (Quảng Ninh) vào những ngày gần cuối tháng 8, quan sát của chúng tôi cho thấy khu vực này là địa điểm “tập kết” của nhiều con tàu chở gỗ dăm từ thượng nguồn các dòng sông đổ về. Trong thời gian ngắn, tại Công ty Cổ phần Cảng Thái Hưng, nhiều chiếc tàu cơi nới từ phía xa đang dập dềnh tìm vào bến để chờ bốc xếp gỗ dăm lên bờ.
Qua tìm hiểu được biết, cảng Cái Lân là nơi tập trung gỗ dăm xuất khẩu đi Trung Quốc. Là địa điểm tập kết cuối cùng ở khu vực nội địa nên cảng Cái Lân mỗi ngày đón nhiều tàu chất đầy gỗ dăm từ các hướng đổ về. Trong khu vực cảng Cái Lân, nhiều tàu mang biển kiểm soát Hải Dương, Nam Định, Phú Thọ, Tuyên Quang… hàng ngày đổ dồn về khu vực cảng chờ được bốc hàng.
Tất cả những con tàu chở gỗ dăm này đều được cơi nới tạm bợ, vượt hành trình hàng trăm kilômét đường sông từ các tỉnh miền Bắc đổ về nhưng vẫn được lãnh đạo cảng này dễ dàng cho cập bến.
Theo báo Pháp Luật.
|