Tỷ lệ nhập siêu/tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam có xu hướng giảm dần trong các tháng gần đây và vẫn thấp hơn so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra là 5%.
Theo số liệu thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2015 ước đạt 134,6 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tốc độ tăng trưởng này hiện đang thấp hơn so với mục tiêu đặt ra cho cả năm là 10%. Bộ Công Thương đặt kế hoạch đạt giá trị xuất khẩu 165 tỷ USD năm nay, tăng so với mức 150 tỷ USD của năm 2014.
Dù thấp hơn so với mục tiêu của chính phủ, nhưng theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTC), tốc độ trên của Việt Nam vẫn cao hơn nhiều mức tăng trưởng xuất khẩu của các khu vực khác.
Theo ước cho năm 2015, xuất khẩu của thế giới dự kiến đạt mức tăng trưởng 5,1%, của nhóm ASEAN-5 đạt 8,0%, và của Trung Quốc đạt 6,8%.
Tình hình thương mại của Châu Á có vẻ đang xấu đi. Mới đây Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu và xuất khẩu của Châu Á trong năm 2015 xuống còn 2,6% và 3,1% từ các mức khoảng 5,1% và 5% đưa ra hồi tháng 4/2015.
Tại Việt Nam, xuất khẩu tăng trưởng khá chủ yếu là nhờ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Xuất khẩu của khối FDI trong 10 tháng tăng 14,3% (so với cùng kỳ năm 2014 lên 95 tỷ USD (tính cả dầu thô), trong khi xuất khẩu khu vực trong nước lại giảm 3,3% (xuống 39,6 tỷ USD).
Tỷ lệ nhập siêu/tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong 10 tháng đứng ở mức 3,1%. Tỷ lệ này đã có xu hướng giảm dần trong 5 tháng trở lại đây và ngày càng cách xa chỉ tiêu của Quốc hội đề ra là 5%.
Theo Người Đồng Hành