Mặc dù kim ngạch xuất khẩu trong 10 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng, nhưng chưa đạt được kế hoạch đề ra. Nguyên nhân là do ảnh hưởng từ khó khăn chung của tình hình thế giới, đặc biệt nhiều mặt hàng đã giá giảm sâu như dầu thô, than đá…
Xuất khẩu Việt Nam vẫn chưa bền vững
Trả lời câu hỏi của PV về hoạt động xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp của Việt Nam thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, thống kê sơ bộ trong 10 tháng đầu năm cho thấy tăng trưởng xuất khẩu khoảng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, nhập siêu bằng 3,1% kim ngạch xuất khẩu. Như vậy, so với mục tiêu kế hoạch năm là tăng trưởng xuất khẩu 10% thì chưa đạt được.
Đưa ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, do ảnh hưởng từ khó khăn chung của tình hình thế giới, đặc biệt, có những mặt hàng giá giảm sâu đã ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu như dầu thô, than đá, tôm, gạo….
Cũng theo lãnh đạo Bộ Công Thương, trong những tháng đầu năm 2015, dệt may, da giày, đồ gỗ, điện thoại tăng trưởng đều cao, nhưng chưa hàm chứa yếu tố bền vững. "Bền vững còn liên quan đến kết cấu giá trị gia tăng, hàm lượng công nghệ, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu như thế nào, trong khi thực tế chúng ta còn đang yếu, hàng Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu”, Thứ trưởng Bộ Công Thương lý giải.
Bên cạnh những mặt hàng trên, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho biết, hiện vẫn còn một số mặt hàng xuất khẩu chưa đạt mong muốn như" công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm. Nguyên nhân là bởi thị trường thế giới liên tục giảm giá nhiều mặt hàng. Trong khi đó, áp lực cạnh tranh rất mạnh, nhưng sản phẩm Việt Nam lại chưa được định hình về chất lượng và thương hiệu nên chịu nhiều thua thiệt, không đáp ứng được hàng rào kỹ thuật của quốc gia nhập khẩu…
Liên quan đến câu hỏi về yếu tố bền vững của doanh nghiệp FDI trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, với doanh nghiệp FDI đa quốc gia, họ có được vị trí trong chuỗi cung ứng là hiển nhiên. Thế nên dẫu có biến động trên thế giới về nguồn cung ở đầu vào, dao động thị trường ở đầu ra, họ cũng ít bị ảnh hưởng hơn các doanh nghiệp trong nước. Bên cạnh đó, với các doanh nghiệp và thương hiệu đã được khẳng định, sản phẩm của họ ít chịu tác động về giá cả, thị trường và cạnh tranh nên họ có yếu tố bền vững.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh: “Dưới góc độ quốc gia, chúng ta cũng cần nhìn nhận sự bền vững từ những doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước, sử dụng đầu vào trong nước, hướng đến giá trị gia tăng nội địa… Một nền kinh tế muốn phát triển mạnh mẽ và bền vững cần ngành sản xuất có tính tự chủ, ít nhất phải đáp ứng nhu cầu nguyên liệu đầu vào cho nền kinh tế. Chỉ khi có ngành công nghiệp cơ bản đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài nước mới đảm bảo tính bền vững của sự phát triển”.
Tăng cường xúc tiến thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu
Trước tình trạng thiếu bền vững trong hoạt động xuất nhập khẩu trong thời gian qua, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, do thời gian từ nay đến cuối năm không còn nhiều, nên cần sự tham gia của các Bộ quản lý Nhà nước và Hiệp hội ngành hàng để khai thác tốt ngành hàng… Tiếp tục tạo sự ổn định vĩ mô, hoàn thiện môi trường pháp lý cho kinh doanh và xuất khẩu thông qua cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Cùng với đó, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, nâng cao năng suất lao động, nâng cao hiệu quả đầu tư công, mặt hàng ta đang có thế mạnh như: nông thủy sản,… đảm bảo sự phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn, về thị trường, chính sách, để doanh nghiệp có gắn kết tốt hơn khâu cung ứng nguyên liệu để giữ được năng lực cạnh tranh.
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, sản phẩm của ngành công nghiệp rất đa dạng, phong phú từ sản phẩm công nghệ cao, máy móc, cơ khí chính xác đến dệt may, cao su, hóa chất…nên mỗi lĩnh vực cần có sự đánh giá khác nhau cho phù hợp.
“Điểm chung cũng là điểm cốt lõi là phải có sự liên kết chặt chẽ hơn nữa, không chỉ từ các Bộ, ngành mà còn của cộng đồng doanh nghiệp và các Hiệp hội trong việc truyền thông, trao đổi để tận dụng lợi thế, hạn chế khó khăn do các FTA hay TPP đem lại và tăng cường ký kết các FTA mới. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa trong việc đa dạng hóa các loại hình sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, nghiên cứu xây dựng qui trình quản lý phù hợp nhằm nâng cao sức cạnh tranh và chủ động nắm bắt cơ hội tham gia sâu vào chuỗi kinh tế toàn cầu”, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Theo Báo điện tử VnMedia