|
Những năm qua, Cà Mau luôn là tỉnh dẫn đầu cả nước về xuất khẩu thủy sản. Với diện tích chiếm khoảng 90% diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản, con tôm luôn là đối tượng xuất khẩu chủ lực của Cà Mau và nghề nuôi tôm những năm qua đã mang lại nguồn lợi lớn cho bà con nông dân, tạo đà cho nông thôn đổi mới, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Trong 5 năm 2011 - 2015, tổng sản lượng chế biến hàng xuất khẩu của Cà Mau đạt 507.574 tấn, trong đó chế biến tôm đông là 449.115 tấn. Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 5,470 tỷ USD, vượt 470 triệu USD chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14 đề ra, chiếm trên 16% kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước; riêng tôm chiếm trên 31% kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước. So với 5 năm trước (2006 - 2010), sản lượng chế biến hàng xuất khẩu tăng 1,3 lần, trong đó tôm tăng 1,29 lần; kim ngạch xuất khẩu tăng 1,65 lần.
Nếu như năm 2010, thủy sản Cà Mau được xuất khẩu sang 30 quốc gia, vùng lãnh thổ thì đến năm 2015 con số này đã tăng lên khoảng 60 nước; nhờ đó cơ cấu thị phần đã được điều chỉnh dần đi vào ngưỡng hợp lý, sự lệ thuộc vào một vài thị trường lớn của những năm trước gia nhập WTO nay đã giảm hẳn. Đặc biệt Cà Mau đã hình thành một số doanh nghiệp lớn, mạnh, tầm cỡ quốc tế, có năng lực cạnh tranh, chi phối được thị trường, trong đó có 3 doanh nghiệp đứng trong Top 20 doanh nghiệp dẫn đầu cả nước về xuất khẩu thủy sản gồm Minh Phú, Quốc Việt, Cases…
Tổng thư ký Hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Cà Mau, ông Lý Văn Thuận cho biết so với năm 2010, năng lực chế biến của ngành thủy sản đã có bước tiến dài và đạt nhiều tiến bộ, phát triển cả về quy mô, trình độ công nghệ với hệ thống máy móc thiết bị khá hiện đại, công nghệ tiên tiến, về cơ bản đáp ứng được yêu cầu nghiêm ngặt và ngày càng cao của các nước nhập khẩu, nhất là những thị trường lớn khó tính. Toàn tỉnh hiện có 36 nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh và 2 nhà máy chế biến chả cá với công suất thiết kế khoảng 186.000 tấn/năm, tăng 1,18 lần so với năm 2010. Hầu hết nhà máy đều được các tổ chức quốc tế cấp chứng chỉ ISO các loại, code EU, áp dụng HACCP và đều được công nhận đạt chuẩn ATVSTP. Chính sự đầu tư chiều sâu này đã góp phần thay đổi cơ cấu, chất lượng, giá trị sản phẩm, tạo ra năng lực sản xuất mới và diện mạo mới của ngành công nghiệp chế biến thủy sản Cà Mau.
Trên nền tảng những thành quả đạt được, mục tiêu của giai đoạn 2016 - 2020 là xây dựng ngành công nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với lực lượng doanh nghiệp đủ sức cạnh tranh và hội nhập thành công, tạo ra sự chuyển biến sâu sắc bằng chất lượng, hiệu quả, công nghệ hiện đại, tiết kiệm nguyên vật liệu, thân thiện với môi trường. Phấn đấu thực hiện đạt chỉ tiêu xuất khẩu thủy sản năm 2020 đạt 1,65 tỷ USD.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, thủy sản Cà Mau tập trung mở rộng thị trường tiêu thụ trên cơ sở giữ và phát triển tốt các thị trường hiện có, mở thêm thị trường mới; trong đó Mỹ, Nhật, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga là thị trường trọng điểm; Úc, Canada và một số nước khu vực Trung Đông là thị trường tiềm năng cần vươn tới, chú trọng thị trường trong nước xem thị trường trong nước là khâu tương tác hỗ trợ cho doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm khi thị trường xuất khẩu gặp khó khăn. Toàn ngành cũng chú trọng hình thành chuỗi liên kết sản xuất, nâng cao năng lực chế biến, tạo ra bước đột phá mới về chất lượng, hiệu quả và cơ cấu sản phẩm theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Theo vccinews
|