Trong giai đoạn 2016-2020, ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân đạt 7%/năm; kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt khoảng 9,5 tỷ USD vào năm 2020.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT): Sau hơn 4 năm triển khai Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân hàng năm đạt 5,95%/năm tăng xấp xỉ 2,0 lần so với 3,1%/năm giai đoạn 2006-2010.
Phát biểu tại Hội nghị sơ kết 5 năm kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng (2011-2015) do Bộ NN&PTNT tổ chức sáng 9-12, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn nhấn mạnh: giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản ngoài gỗ tăng xấp xỉ 1,5 lần trong vòng 4 năm, từ 4,2 tỷ USD năm 2011 lên 6,54 tỷ USD năm 2014. Dự kiến, xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản ngoài gỗ cả năm nay sẽ đạt khoảng 6,8-7,0 tỷ USD.
Bên cạnh đó, kế hoạch nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến, bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định. Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm 2015, mặc dù sản lượng gỗ khai thác tăng khoảng 13% so với cùng kỳ năm 2014 nhưng lượng dăm gỗ xuất khẩu giảm khoảng 15%, trong đó chủ yếu là thị trường Trung Quốc.
Giai đoạn 2011-2015, thị trường xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ cũng không ngừng được mở rộng. Hiện nay, sản phẩm đồ gỗ Việt Nam đã xuất khẩu tới trên 100 nước và vùng lãnh thổ, trong đó, các thị trường chủ yếu là: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Tuy nhiên sau hơn 4 năm triển khai Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, hiện còn không ít bất cập, đó là hiệu quả của sản xuất lâm nghiệp còn thấp so với khu vực và thế giới do quy mô sản xuất nhỏ, manh mún, chưa được tổ chức trong liên kết theo chuỗi; Kết cấu hạ tầng phục vụ chế biến như kho tàng, bến bãi,… còn kém phát triển; Công nghiệp phụ trợ cho ngành chế biến gỗ và lâm sản bị bỏ ngỏ; thị trường trong nước chưa được quan tâm phát triển.
Thừa nhận điều này, Thứ trưởng Hà Công Tuấn bổ sung: Mặc dù công nghiệp chế biến gỗ phát triển trong những năm gần đây nhưng thiếu gắn kết giữa nhà máy chế biến, thị trường sản phẩm đầu ra và vùng nguyên liệu. Bên cạnh đó, công tác đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất còn chậm; kinh tế hộ nhỏ lẻ, ngày càng bộc lộ những hạn chế, yếu kém; lâm trường quốc doanh/công ty lâm nghiệp nhà nước đổi mới chậm.
Trong giai đoạn 2016-2020, ngành lâm nghiệp xác định mục tiêu sẽ chuyển đổi mạnh mẽ mô hình tăng trưởng của ngành theo hướng nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh; từng bước đáp ứng nhu cầu gỗ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ, sản xuất giấy, ván nhân tạo, đáp ứng nhu cầu gỗ, củi và các lâm đặc sản cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Cụ thể, tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân đạt 7%/năm. Kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt khoảng 9,5 tỷ USD vào năm 2020.
Từ năm 2011 đến nay, tổng số vốn mà Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 đã huy động được là 33.765 tỷ đồng, bình quân 6.753 tỷ đồng/năm, trong đó ngân sách Nhà nước là 7.597 tỷ đồng, bình quân 1.520 tỷ đồng/năm, chiếm 22,5%.
Theo Báo Hải Quan