Dù chỉ cách nhau khoảng 60 km nhưng Cảng Cát Lái (quận 2, TP HCM) và cụm Cảng Cái Mép – Thị Vải (CMTV) lại ở hai trạng thái hoàn toàn trái ngược. Trong khi CMTV ế ẩm thì Cảng Cát Lái luôn quá tải với khoảng 1.200 tờ khai mỗi ngày và hải quan chỉ có thể giải quyết khoảng 800 tờ khai.
Thực tế, hiện tại, số lượng cảng container nước sâu ở CMTV đang vượt cầu nhưng lượng hàng chảy vào đây lại chưa đáng kể.
Quy hoạch kiểu “trăm hoa đua nở”
Theo Chủ tịch Hiệp hội DN Dịch vụ Logistics Việt Nam Trần Huy Hiền cũng cho biết, việc một số cảng hoạt động không hiệu quả còn có nguyên nhân thiếu nhất quán trong quy hoạch. Nhìn từ kinh nghiệm xây dựng cảng Lem Cha bang (Thái Lan), Chính phủ nước này đã quyết định áp trần sản lượng cho cảng cũ Băng Cốc gần đó mức một triệu TEUs/năm. Biện pháp này không chỉ góp phần đẩy nhanh tiến độ dịch chuyển hàng từ Băng Cốc ra Lem Cha bang, mà còn khuyến khích các nhà đầu tư chọn cảng mới để phát triển thay vì nâng cấp cơ sở tại cảng cũ. Vì vậy, cảng mới xây dựng được khai thác rất hiệu quả, ngay từ năm 2013, sản lượng đã vượt mức sáu triệu TEUs/năm.
Còn ở nước ta, khi quy hoạch xây dựng khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải, cũng đã tính đến chuyện hạn chế và chuyển dịch dần các cảng trên sông Sài Gòn về cảng mới. Tuy nhiên, các cảng container lớn tại TP HCM như Cát Lái, VICT, SPCT vẫn duy trì hoạt động, không bị di dời. Thêm vào đó, dự án nạo vét luồng Soài Rạp được triển khai vào năm 2009, hoàn thành năm 2014 đã “tạo điều kiện” cho các cảng khu vực Hiệp Phước tăng công suất; một số dự án cảng dọc sông Soài Rạp cũng được bổ sung vào quy hoạch, đẩy công suất làm hàng của cảng TP HCM lên hơn 7 triệu TEUs/năm. “Cảnh “trăm hoa đua nở” khi xây cảng vừa gây lãng phí lớn nguồn lực xã hội, hiệu quả đầu tư kém, vừa là nguyên nhân khiến nhiều nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài sa sút niềm tin”- ông Hiền nhìn nhận.
Cùng quan điểm trên, nhiều chuyên gia cho rằng CM-TV sẽ tránh được tình trạng hiện tại nếu công suất của khu cảng Hiệp Phước được quy hoạch một mức trần, còn các dự án bổ sung vào quy hoạch gốc được cân nhắc và được phân kỳ đầu tư hợp lý khi cấp phép. Thế nhưng các nội dung này dường như đã không được quan tâm đúng mức, dẫn đến tiến độ dịch chuyển hàng từ cảng TP HCM ra CMTV không như mong đợi, đẩy CMTV vào cảnh “sống dở, chết dở”.
Quy hoạch yếu và hạ tầng thiếu đang gây lực cản đối với hoạt động của cụm cảng CMTV. Căn hộ Luxury Home cho phép chủ nhân thực hiện các hoạt động như bật, tắt các thiết bị chiếu sáng, điều hoà, quạt, tivi, ampli… thông qua công tắc cảm biến hay các thiết bị smartphone, máy tính bảng.
“Điểm yếu” hạ tầng
Ngoài yếu tố quy hoạch bất cập như trên, theo Phó GĐ Sở Giao thông Vận tải BRVT – Lương Anh Tuấn: Việc thực hiện quy hoạch phát triển khu CMTV còn thiếu đồng bộ. Các chủ hàng không chọn đây là “bến đỗ” vì cơ sở hạ tầng GTVT, hạ tầng kỹ thuật tại khu vực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Hiện, chỉ có một tuyến đường độc đạo nối vào cảng là quốc lộ 51, trong khi không có các tuyến kết nối khu cảng với quốc lộ 51 qua các khu vực hậu cần cảng biển. Nhiều tuyến giao thông chiến lược như đường bộ, đường sắt cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu nhằm kết nối cụm cảng với các nguồn hàng, trung tâm đô thị trong khu vực trọng điểm phía nam không được triển khai theo đúng quy hoạch… Chỉ một lựa chọn duy nhất là đường bộ đã khiến chi phí vận tải tăng vọt, chênh lệch giá thành tăng khoảng 2 đến 3 triệu đồng/TEUs. Chính vì vậy, dù phải xếp hàng tại cảng Cát Lái, DN vẫn thấy “dễ thở” hơn.
Hiện Sở GTVT đã đề xuất các cơ quan chức năng triển khai những dự án hạ tầng giao thông quan trọng như đường sắt và đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu; cho phép đầu tư cầu Phước An bằng nguồn vốn ODA của Nhật Bản để kết nối cụm cảng TVCM với đường cao tốc Bến Lức – Long Thành; triển khai đầu tư đường 991B, đường Phước Hòa – Cái Mép; nghiên cứu chỉnh trị đồng bộ toàn tuyến luồng Thị Vải – Cái Mép bảo đảm độ sâu tuyến luồng theo quy hoạch được duyệt; phát triển vận tải bằng đường thủy nội địa, kết nối đường sắt vào các trung tâm logistics…
Bên cạnh đó, ông Tuấn cho biết, Sở sẽ tiếp tục phối hợp Bộ GTVT thực hiện các giải pháp trong đó xây dựng cơ chế chính sách quản lý cụ thể đối với hệ thống cảng và logistics, thực hiện đúng theo quy hoạch được Chính phủ phê duyệt.
Được biết, trong một động thái gần đây nhất, Sở GTVT đã kiến nghị UBND tỉnh thu hồi 10 dự án cảng chậm tiến độ sau khi tiến hành rà soát tình hình triển khai các dự án cảng biển, trong đó có đến 8 dự án tại khu vực Cái Mép – Thị Vải. Trong tình trạng hiện tại, việc “siết chặt” đầu tư cảng mới là rất cần thiết. Nhưng rõ ràng, giải pháp cần khẩn trương hơn cả chính là việc cơ quan quản lý sớm có biện pháp giới hạn trần công suất của các cảng cũ khu vực lân cận cũng như hoàn thiện cơ sở hạ tầng kết nối giao thông để “cứu” cụm cảng CMTV.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp.