Trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị tổng kết và chuyển giao Đối tác hỗ trợ ngành lâm nghiệp (FSSP) diễn ra mới đây, ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) nhận định 2015 là một năm thắng lợi giòn giã của xuất khẩu gỗ và dự kiến vài năm tới xuất khẩu gỗ cùng sản phẩm gỗ vẫn sẽ duy trì mức tăng trưởng khả quan khoảng 15-20%/năm.
Theo ông Ngãi: Đến thời điểm hiện tại có thể khẳng định xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2015 sẽ đạt mục tiêu 7 tỷ USD đặt ra, tăng mạnh so với mức 6,5 tỷ USD của năm 2014.
Trong năm 2016 cũng như vài năm tới, triển vọng xuất khẩu của ngành gỗ vẫn khá khả quan, duy trì mức tăng trưởng 15-20%/năm. Việc ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam-EU cũng như tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) càng mở ra nhiều cơ hội rộng mở cho xuất khẩu gỗ của Việt Nam. Dự kiến, từ sau năm 2018, xuất khẩu gỗ sẽ tăng cao.
Ông Ngãi cho rằng: FSSP được hình thành từ năm 2001. Suốt từ khi hình thành đến nay, tổng số vốn huy động được để triển khai chương trình FSSP cũng như hỗ trợ phát triển ngành lâm nghiệp ước tính lên tới hàng trăm triệu USD. Trong đó, nổi bật là năm 2004, thông qua chương trình đã thành lập được Qũy Uỷ thác ngành lâm nghiệp. Từ đó đến nay, quỹ đã huy động được 32 triệu USD để hỗ trợ trực tiếp cho hoạt động của chương trình cũng như sự phát triển của ngành.
Có thể khẳng định, 15 năm qua, FSSP đã đóng góp khá nhiều cho sự phát triển bền vững ngành lâm nghiệp, trong đó có việc thúc đẩy hơn nữa hoạt động giao thương, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Thứ nhất, chương trình FSSP đã giúp cơ quan quản lý Nhà nước có một cái nhìn rõ ràng hơn trong phát triển ngành lâm nghiệp. Trước đây, cơ quan quản lý thường đóng vai trò quản trị, kiểm soát hệ thống sản xuất thì nay thay đổi theo hướng tạo điều kiện để thúc đẩy hệ thống sản xuất, chế biến, tiếp cận thị trường.
Thứ hai, chương trình FSSP được triển khai đã thực sự tạo ra được môt mạng lưới lâm nghiệp mạnh tại các địa phương, giúp người dân trồng rừng cũng như các đơn vị sản xuất, chế biến gỗ có khả năng tiếp cận thị trường tốt hơn.
Nhìn chung đối với XK gỗ và sản phẩm từ gỗ, chương trình FSSP hỗ trợ Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn, tháo gỡ nhiều khó khăn nổi lên trong quá trình xuất khẩu cũng như những vấn đề thương mại liên quan.
Thời gian tới, sau giai đoạn được chuyển giao, FSSP sẽ được triển khai theo hướng tiếp tục giúp Việt Nam hoàn thiện hơn nữa hệ thống cơ chế chính sách nhằm thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành lâm nghiệp.
"Bên cạnh đó, hỗ trợ Việt Nam các vấn đề hợp tác quốc tế trong nhiều vấn đề như cam kết ứng phó biến đổi khí hậu; cam kết đảm bảo quản lý động vật hoang dã; cam kết liên quan vấn đề về bảo vệ rừng bền vững, thực hiện tốt truy xuất nguồn gốc gỗ... Đây cũng là yếu tố giúp cho việc chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tốt hơn khi hội nhập", ông Ngãi nói.
Ngày 12-11-2011, Chính phủ Việt Nam và 19 đối tác quốc tế ký kết thành lập Chương trình Hỗ trợ ngành lâm nghiệp và Đối tác (FSSP&P) với mục tiêu tiếp tục hỗ trợ ngành lâm nghiệp trên cơ sở thống nhất về chính sách, chiến lược phát triển, ưu tiên đầu tư; cùng cam kết quản lý rừng bền vững và đa dạng sinh học và đóng góp, sử dụng hiệu quả nguồn lực của chương trình. Đến ngày 2-7-2006, FSSP&P được đổi tên thành Đối tác hỗ trợ ngành lâm nghiệp (FSSP) và mở rộng ra 25 đối tác quốc tế. Đến ngày 31-12-2015, FSSP được chuyển giao hoàn toàn cho Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT). |