Chi phí cho lĩnh vực logistics tại Việt Nam đến nay vẫn ở mức rất cao so với khu vực và thế giới...
Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), chi phí cho lĩnh vực logistics tại Việt Nam đến nay vẫn ở mức rất cao so với khu vực và thế giới khi chiếm tới 20% GDP (trong đó chi phí vận tải chiếm khoảng 60%).
Còn theo Bộ GTVT, thị phần vận tải đường bộ hiện vẫn chiếm trên 80%. Điều đó cho thấy, nếu giảm được chi phí vận tải đường bộ nói riêng và chi phí vận tải nói chung sẽ góp phần rất lớn trong việc giảm chi phí của nền kinh tế, tăng khả năng cạnh tranh Quốc gia, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang ngày càng hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới.
Tại cuộc họp Chính phủ mới đây, với phương châm xây dựng một Chính phủ lấy nhân dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ GTVT đề xuất các giải pháp giảm gánh nặng chi phí vận tải nội địa cho người dân và doanh nghiệp. Ngay sau đó, Bộ GTVT đã yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN và các cơ quan liên quan rà soát, đề xuất các giải pháp giảm chi phí vận tải bằng xe ô tô.
Thực tế hiện nay, giá cước vận tải bằng xe ô tô được thực hiện theo cơ chế thị trường, do các đơn vị kinh doanh vận tải chủ động xây dựng và kê khai với cơ quan quản lý. Theo đó, các thành phần chiếm tỷ lệ cao trong chi phí vận tải như: Nhiên liệu, nhân công, phí cầu đường, vật tư, phụ tùng và phí bảo trì, sử dụng đường bộ. Tuy nhiên, ai cũng biết, nếu chỉ tính những chi phí cứng như trên là chưa phản ánh hết thực tế các chi phí của doanh nghiệp vận tải. Cũng chính vì thế mà có những chuyên gia về vận tải từng cho rằng, giá cước vận tải hiện nay chưa phản ánh đúng với thực tế.
Về mặt tổ chức, quản lý hiện nay theo nhận định của Tổng cục Đường bộ VN cũng vẫn có những giải pháp có thể kéo giảm được chi phí vận tải như: Cơ chế khuyến khích phát triển các doanh nghiệp có quy mô lớn hơn để nâng cao tính chuyên nghiệp, khả năng quản trị; Chính sách giảm thuế nhập khẩu đối với phương tiện kinh doanh vận tải; Phát triển các sàn giao dịch vận tải; Tổ chức các điểm thu gom hàng hóa lớn hay việc minh bạch thị trường, hạn chế tiêu cực phí…
Như vậy là dư địa để giảm chi phí vận tải đường bộ nói riêng và chi phí vận tải nói chung không phải là không có. Hy vọng với sự rà soát nghiêm túc, khoa học và sự quyết tâm của Bộ GTVT, chi phí vận tải sẽ được kéo giảm để không chỉ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, sự thuận tiện của người dân mà còn giúp các doanh nghiệp vận tải ngày càng lớn mạnh, chuyên nghiệp và hoạt động có hiệu quả hơn.
Theo báo Giao thông.