Hãng tàu lớn thứ 7 thế giới Hanjin Shipping xin bảo hộ phá sản, ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam
Hanjin Shipping Global, hãng tàu lớn nhất Hàn Quốc và lớn thứ 7 thế giới, thường được doanh nghiệp (DN) Việt Nam trong các ngành thủy sản, dệt may, đồ gỗ… thuê vận chuyển hàng hóa đến các thị trường châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc.
Hàng loạt container lênh đênh trên biển
Ngày 6-9, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội logistics Việt Nam (VLA), cho biết hiện có khoảng 5.000 container hàng hóa của các doanh DN Việt Nam thuê Hanjin vận chuyển. Do đó, việc hãng tàu lớn nhất Hàn Quốc này đệ đơn phá sản sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các DN Việt.
Dù chưa thống kê cụ thể nhưng theo ông Lê Duy Hiệp, chắc chắn có rất nhiều container của DN Việt đang lênh đênh trên biển. Nhiều DN logistics cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng do vận chuyển hàng thuê cho các DN xuất nhập khẩu của Việt Nam. Trong trường hợp Hanjin phá sản, việc đòi bồi thường của DN Việt sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Bà Huỳnh Thục Nữ - giám đốc một công ty logistics ở quận Bình Thạnh, TP HCM - cho biết dù không sử dụng dịch vụ của Hanjin nhưng cũng rất quan tâm đến diễn biến vụ việc. Theo bà Nữ, nhiều khả năng các chủ hàng hoặc đơn vị đại diện chủ hàng (chủ yếu là DN logistics) phải chịu thiệt hại. Bởi lẽ, khi hàng đang trên tàu, các cảng không cho cập bến, tàu lênh đênh trên biển sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa, tiến độ giao hàng.
“Trường hợp cảng giữ toàn bộ hàng trên tàu để xiết nợ thì chủ hàng coi như mất trắng. Nếu may mắn hơn, cảng cho tàu cập bến và dỡ hàng thì chủ hàng hoặc DN logistics đại diện phối hợp với cảng bốc dỡ hàng xuống, đưa về kho hay sang tàu khác để tiếp tục hành trình. Toàn bộ chi phí xếp dỡ do chủ hàng hoặc đại diện chủ hàng chịu” - bà Nữ phân tích.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), thống kê sơ bộ từ các DN hội viên cho thấy hiện có khoảng 100 container hàng đang được Hanjin vận chuyển và chưa biết số phận ra sao. Kể từ khi Hanjin tuyên bố phá sản, nhiều cảng trên thế giới đã từ chối tiếp nhận tàu của hãng này nên hàng của DN cũng mắc kẹt trên biển.
Trước đó, văn phòng đại diện của hãng tàu biển Hanjin Shipping Global tại Việt Nam đã thông báo về việc dừng nhận booking (đặt hàng) hàng hóa mới kể từ ngày 31-8.
Một DN chuyên nhập khẩu thức ăn gia súc từ Hàn Quốc về Việt Nam, có lô hàng khá lớn trên tàu Hanjin, cho biết vừa phải đặt một lô khác để kịp giao cho khách. Lô hàng trên tàu Hanjin vẫn đang lênh đênh trên biển, chưa biết sẽ ra sao, trường hợp xấu nhất phải nhờ đến bảo hiểm giải quyết. Lô hàng này mua theo phương thức CIF (giao tại cảng dỡ), trong quá trình vận chuyển, nếu có bất kỳ hư hại nào thì bảo hiểm phải chịu trách nhiệm thanh toán. Ví dụ, chất lượng hàng bị ảnh hưởng do để lâu trên tàu thì hãng phải chịu trách nhiệm bồi thường. Trường hợp hãng tàu phá sản không nằm trong điều khoản loại trừ của bảo hiểm thì bên bảo hiểm phải thanh toán.
Cũng theo DN này, chủ các lô hàng trên tàu Hanjin từ Hàn Quốc về Việt Nam chủ yếu là những DN, tập đoàn lớn của Hàn Quốc. Những DN này cũng đang nóng lòng chờ chính phủ Hàn Quốc quyết định số phận hãng Hanjin thế nào và ít nhất 1-2 tháng nữa mới có thông tin chính thức. Nếu chính phủ Hàn Quốc không hỗ trợ Hanjin thì các chủ nợ sẽ “xâu xé” tàu và chủ hàng sẽ gặp khó.
Hỗ trợ doanh nghiệp sớm giải phóng hàng hóa
Theo Bộ Công Thương, việc đệ đơn phá sản của hãng tàu biển Hanjin đã, đang và sẽ ảnh hưởng đến hoạt động giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu của các DN.
Do đó, Bộ Công Thương khuyến cáo đối với các lô hàng nhập khẩu đã cập cảng, DN cần khẩn trương hoàn thành thủ tục nhận và thông quan giải phóng ra khỏi container của Hanjin. Với các lô hàng xuất khẩu đã đưa container vào Hanjin, DN cần nhanh chóng lấy ra và liên hệ với các đối tác nước ngoài khác để có phương án lựa chọn, thay đổi hãng tàu cũng như lịch đặt hàng hóa. Với các lô hàng đang được chuyên chở trên tàu của Hanjin, DN cần tiếp tục làm việc với văn phòng đại diện của hãng này ở Việt Nam để theo dõi lịch trình và phối hợp cùng đối tác nhập khẩu để có phương án nhận hàng tại cảng.
Bộ Công Thương đang đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các cảng vụ có phương án bố trí phương tiện hợp lý và điều tiết kịp thời để hỗ trợ DN, tránh ảnh hưởng đến tiến độ giao nhận hàng hóa và gây ùn tắc tại các cảng biển. Ngay sau thông báo của Bộ Công Thương, các hiệp hội DN dệt may, da giày, đồ gỗ… cũng đã gửi khuyến cáo đến hội viên nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro.
Thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết trong vài ngày qua, Hanjin không có tàu đến Tân Cảng (TP HCM) như lịch trình. Do đó, những container của Hanjin đã đóng hàng chờ tàu để xuất khẩu sẽ không thể vận chuyển theo đúng lịch trình đăng ký mà sẽ lưu tại cảng. Trong khi đó, hàng nhập khẩu thuê tàu Hanjin vận chuyển cũng không cập cảng đúng kế hoạch.
“DN chủ hàng có thể gặp rủi ro trong trường hợp có các yêu cầu pháp lý liên quan đến Hanjin như việc hàng của DN trên tàu của hãng này bị giữ lại ở các cảng. Thậm chí, các lô hàng mà Hanjin đang vận chuyển trên biển cũng có thể gặp khó khăn trong việc bảo đảm thời gian giao cho khách, ảnh hưởng tiến độ thanh toán” - đại diện Vitas lo ngại.
Do đó, Vitas đã đề nghị các DN hội viên nhanh chóng kiểm tra, điều chỉnh kịp thời việc đóng hàng để có biện pháp ứng phó, tránh rủi ro. Theo Vitas, DN nên liên hệ ngay với các cảng, đặc biệt là Tân Cảng, để phối hợp và nhận được sự hỗ trợ kịp thời trong trường hợp phải rút hàng ra khỏi container đã đóng. DN cần cập nhật tình hình hàng hóa của mình đang ở đâu để có hướng xử lý khi cần thiết.
Chưa có tiền lệ
Theo ông Lê Duy Hiệp, đây là lần đầu tiên một hãng tàu biển lớn trên thế giới tuyên bố phá sản khiến các DN lo lắng bởi trước đó chỉ có trường hợp hãng tàu sáp nhập. Việc sáp nhập chỉ ảnh hưởng tới tiến độ giao hàng, trong khi hãng tàu phá sản thì khách hàng - các DN xuất nhập khẩu sẽ nằm trong danh sách sau cùng được bồi thường nên sẽ gặp nhiều thiệt hại.
Ông Hong Sun, Tổng Thư ký Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham), cũng khẳng định Hanjin xin bảo hộ phá sản là vụ việc đầu tiên, chưa có tiền lệ trong lịch sử hàng hải. “Korcham chưa nhận được thông tin nào từ các hội viên liên quan đến việc DN đang gặp khó khăn hay thiệt hại do có hàng trên tàu của Hanjin. Nếu có DN phản ánh, Korcham sẽ phối hợp với cơ quan chức năng Hàn Quốc và Việt Nam để làm sao tháo gỡ, hỗ trợ các bên liên quan, bao gồm cả Hanjin và chủ hàng” - ông Hong Sen cho biết.
Theo Người lao động.