Theo thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), dự án phát triển các tuyến hành lang đường thủy khu vực phía Nam đã được khởi động bằng việc ký kết vào cuối tuần qua hợp đồng dịch vụ tư vấn (CS-FS) giữa Ban quản lý các dự án đường thủy (thuộc Bộ GTVT) với Ngân hàng Thế giới để lập nghiên cứu khả thi dự án.
Sau khi ký hợp đồng dịch vụ tư vấn, Công ty Sgis International (Pháp) - là nhà tư vấn chính đã được tuyển chọn - sẽ tiến hành thu thập số liệu, khảo sát, nghiên cứu để xác định danh mục ưu tiên đầu tư.
Đồng thời, nhà tư vấn cũng chuẩn bị nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật sơ bộ, và hồ sơ mời thầu thiết kế kỹ thuật. Còn Ban quản lý các dự án đường thủy được Bộ GTVT giao nhiệm vụ quản lý thực hiện hợp đồng tư vấn.
Sau khi hoàn thành khâu chuẩn bị, dự án sẽ tiến hành cải tạo mạng lưới đường thủy nội địa khu vực Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhằm cải thiện độ sâu chạy tàu và năng suất vận tải hàng hóa thông qua khả năng vận tải của trục chính Cần Thơ – TPHCM, qua kênh Chợ Gạo và Măng Thít. Đồng thời, dự án cũng cải thiện hệ thống đường thủy kết nối đến cụm cảng Cái Mép – Thị Vải.
Sau khi hoàn thành toàn bộ, dự án sẽ giúp nâng cao hiệu quả giao thông đường thủy nội địa và kết nối giữa các tỉnh phía Nam; đồng thời giảm chi phí cho các chuỗi cung ứng xuất nhập khẩu bằng container tại các vùng với nhau.
Trước đây, Ngân hàng Thế giới cũng đã cho Việt Nam vay vốn để phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL (gọi tắt là dự án WB5).
Dự án được thực hiện trong giai đoạn 2007-2016 với tổng mức đầu tư là 554,3 triệu đô la Mỹ (hơn 12.000 tỉ đồng), trong đó, vốn vay từ Ngân hàng Thế giới là 359,5 triệu đô la, vốn viện trợ không hoàn lại của Úc được ủy thác qua WB là 45 triệu đô la Mỹ và vốn đối ứng từ ngân sách là 149,827 triệu đô la Mỹ.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn.