Australia là thị trường đầy tiềm năng nhưng nhiều năm qua, kim ngạch XK của dệt may Việt Nam vào Australia còn khá hạn chế. Với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), các DN đang kỳ vọng XK dệt may vào thị trường này sẽ bứt phá mạnh trong thời gian tới.
Xuất khẩu chiếm thị phần chưa tới 2%
Ông Nguyễn Phúc Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết: Năm 2017, Australia nhập khoảng 9,32 tỷ USD các sản phẩm dệt may từ thế giới, trong đó NK từ Việt Nam khoảng 173 triệu USD, chiếm khoảng 1,9% tổng kim ngạch NK. Các sản phẩm dệt may có kim ngạch NK lớn nhất của Australia chủ yếu là các sản phẩm quấn áo và hàng may mặc phụ trợ không dệt kim…
Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam: Xét các nước trong khối CPTPP, Australia là thị trường có kim ngạch NK hàng dệt may khá lớn, trung bình mỗi năm khoảng gần 9 tỷ USD. Trước CPTPP, giữa Việt Nam và Australia chỉ có Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa ASEAN và Australia. Do nhiều nguyên nhân, ngành dệt may chưa khai thác được thị trường này như kỳ vọng. DN chưa có điều kiện tiếp cận để hiểu sâu xem thị trường cần gì và dệt may Việt Nam có gì để XK.
Nhìn nhận về cơ hội thúc đẩy XK dệt may sang thị trường Australia trong thời gian tới, ông Nam phân tích: Dự kiến, Hiệp định CPTPP sẽ chính thức có hiệu lực từ năm 2019. Theo cam kết trong Hiệp định CPTPP, Australia sẽ giảm thuế NK về 5% ngay trong năm đầu tiên, năm thứ hai, năm thứ ba kể từ khi CPTPP có hiệu lực và về 0% từ năm thứ tư kể từ khi CPTPP có hiệu lực đối với hầu hết các sản phẩm thuộc nhóm HS 6203, HS 6204, HS 6206. “Australia là thị trường hết sức tiềm năng cho các sản phẩm dệt may XK của Việt Nam. Trong khi đó, hiện nay, Việt Nam còn chiếm thị phần NK tương đối nhỏ tại Australia về sản phẩm dệt may và tiếp tục còn dư địa để mở rộng”, ông Nam nói.
Ông Cẩm thông tin thêm: “XK dệt may sang Australia trung bình mỗi năm khoảng trên 200 triệu USD. Đó là con số khá khiêm tốn. Với mục tiêu phát triển thời gian tới, để đạt được mức tăng trưởng XK trên dưới 10%/năm thì ngành dệt may Việt Nam phải tập trung vào khai thác tốt những thị trường trong khối CPTPP, trong đó có Australia".
Đừng xem thường đơn hàng nhỏ
Đứng từ góc độ DN XK, ông Thái Bình Dương, Giám đốc Công ty TNHH Yến Dương cho hay: Australia là thị trường rất “khó tính” với ngành dệt may Việt Nam. Thời trang tại Australia cách ăn mặc không rườm rà như những nước khác nhưng xét tiểu tiết thì độ phức tạp, đường kim mũi chỉ, giá cả khác hẳn so với các thị trường như Hoa Kỳ, Nhật Bản. “Thời trang của người Australia nhìn qua thì đơn giản nhưng thực chất xét chiều sâu họ rất cầu kỳ. Tuy nhiên, Công ty Yến Dương cũng đã XK được sản phẩm sang Đức. Đây cũng là thị trường khó tính nên DN tự tin XK sang Australia cũng không có vấn đề gì”, ông Dương nói.
Cũng theo ông Dương, Hiệp định CPTPP sẽ mở ra cơ hội mới cho DN tại thị trường Australia theo cả chiều XK và NK. Hiện nay, nguồn nguyên liệu NK của ngành dệt may còn đang bị gò bó, đa số là nhập từ Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc… Khi mở rộng ra, DN có thể NK nguyên liệu từ Australia, ví dụ như NK len từ Australia… “Dự kiến, DN sẽ tiếp cận thị trường Australia bằng sự nỗ lực của chính bản thân, tập trung vào nghiên cứu thị trường để phát triển thêm. Tất cả đội ngũ văn phòng, thiết kế của DN đều phải tìm hiểu. Tay nghề công nhân cũng phải trau dồi thêm, đồng thời DN phải đầu tư thêm máy móc hiện đại hơn thì mới đáp ứng được”, ông Dương nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Phúc Nam cho rằng: Để thâm nhập có hiệu quả hơn nữa đối với thị trường Australia, các DN dệt may Việt Nam không chỉ phải tích cực quảng cáo, tiếp cận thị trường mà còn cần hiểu đặc điểm chung của thị trường này. Các đơn hàng khởi đầu với quy mô khá nhỏ để tìm hiểu khả năng của nguồn cung cũng như khả năng chấp nhận của thị trường. “Có một bộ phận DN Việt Nam bỏ qua thị trường Australia vì lý do này. Tuy nhiên, khi các lô hàng thử nghiệm ban đầu thành công, các hợp đồng lớn hơn sẽ được ký kết và giá XK sang Australia cũng tốt hơn một số thị trường lớn khác. Ngoài ra, khi đã tin tưởng, các nhà NK Australia sẽ làm ăn lâu dài, ít khi thay đổi bạn hàng”, ông Nam nói.
Theo Báo Hải Quan