Phụ phí rủi ro container, phụ phí đình công, phí mất cân đối container, phí đại lý... là những loại phí mà các hãng tàu đang tận thu của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu VN.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng thay vì đơn giản hóa các thủ tục, cắt giảm phí và phụ phí thì hãng tàu lại có xu hướng ngày càng tăng thu và đưa ra nhiều khoản phí.
Hãng tàu than chi phí tăng
Một số hãng tàu xác nhận đã thu phí CIC (tức phí cân đối container xuất nhập khẩu) từ đầu tháng 4-2011. Mức thu thấp nhất là 30 USD/container 20 feet.
Giám đốc kinh doanh một hãng tàu lớn của Singapore có văn phòng tại TP.HCM cho biết đến nay hãng này chưa thu phí CIC. Tuy nhiên, sắp tới sẽ thu 30 USD/container đối với hàng nhập. Nguyên nhân cũng do lượng container xuất nhập bị mất cân đối. Ngoài ra, việc thu các khoản phụ phí được giải thích là do cầu cảng, bến bãi ở VN bị kẹt hàng, chi phí tăng. |
1 tỉ đồng phụ phí mỗi tháng
Trụ sở đại lý của các hãng tàu biển có mặt ở TP.HCM luôn đông đúc. Nhân viên xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai... phải chờ đợi khá lâu mới tới lượt được thanh toán các khoản phí, cước dịch vụ vận tải. Nếu không thanh toán sớm, hàng hóa chưa được giải phóng, doanh nghiệp lại phải đóng thêm các khoản phí lưu container lên đến cả triệu đồng/ngày.
Ông H., phụ trách xuất nhập khẩu của một doanh nghiệp may mặc ở TP.HCM, cho biết gần như bị stress khi mỗi ngày máy fax của công ty đều nhận được hàng loạt hóa đơn phải thanh toán cho các đại lý tàu biển. “Nếu tính luôn cả các loại phí mà các cảng, đại lý tàu biển và hãng tàu thu cho mỗi container xuất khẩu, chúng tôi phải trả trên 10 loại phí khác nhau” - ông H. than thở.
Với lượng trung bình xuất và nhập khẩu 250 container/tháng, mỗi tháng công ty phải trả vài tỉ đồng phụ phí.
Nhiều doanh nghiệp cho biết đang bị sốc và quá bức xúc khi từ giữa tháng 3-2011 bị thêm khoản phí phụ trội hàng nhập hay phí cân đối hàng nhập. Các hãng tàu giải thích thu phí này do hàng nhập nhiều hơn hàng xuất khiến họ phải xuất container rỗng.
Chị Ngọc Thúy - nhân viên phụ trách chứng từ và thủ tục hải quan một doanh nghiệp logistics ở TP.HCM - cho biết phụ phí cân đối hàng nhập chủ yếu được áp dụng ở các tuyến đi các nước châu Á. Mức thu khoảng 60 USD/container 20 feet và 120 USD/container 40 feet.
“Loại phí này quá vô lý. Các hãng tàu ngày càng có xu hướng thích là thu. Doanh nghiệp gần như không có sự lựa chọn khi hãng nào cũng đồng loạt áp dụng, mức thu của mỗi hãng chỉ chênh nhau vài USD” - chị Thúy bức xúc.
Theo ông K. - trưởng phòng xuất nhập khẩu Công ty cổ phần may V., do phần lớn các doanh nghiệp dệt may đều nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan - vốn không phải là thị trường xuất khẩu chính của các doanh nghiệp - nên khi lượng container nhập về nhiều hơn container xuất đi, các hãng tàu buộc phải chở những container rỗng trở lại các nước và đè doanh nghiệp trong nước ra để thu phí!
Thu cả phí... đình công!?
Các doanh nghiệp thường xuyên có hàng xuất nhập khẩu cho biết khoản phí EBS (phụ phí xăng dầu) được áp dụng phổ biến ở các hãng tàu, với mức thu từ 20-30 USD/container 20 feet, 40-60 USD/container 40 feet cho quãng đường ngắn, 90 USD/container 20 feet, 180 USD/container 40 feet cho những tuyến đi dài...
“Vô lý nhất là doanh nghiệp có hàng xuất khẩu đi những nước thường có đình công, hãng tàu sẽ thu thêm... phí đình công (!?) với mức thu lên tới 180 USD/container 40 feet. Ngoài ra còn có cả phí vệ sinh container, phí cháy nổ, phí đi qua vùng biển có nhiều rủi ro, phụ phí tiền tệ...” - chị Ngọc Thúy kể.
Nhiều khoản phi lý đến mức không tưởng được các doanh nghiệp kể ra như phí tách bill và cấp giấy ủy quyền, phí nâng và hạ container, phí xếp dỡ container, phí chứng từ báo hàng đến, phí làm hàng, phí đại lý, phí lưu bãi... vẫn đang được các hãng tàu “cật lực” thu không nương tay.
Theo tính toán sơ bộ của các doanh nghiệp làm dịch vụ tàu biển, với một container 40 feet hàng nhập khẩu ra cảng lên tàu đi ngay, doanh nghiệp sẽ phải trả 12-13 triệu đồng phụ phí các loại. Hàng xuất khẩu chỉ phải trả ít hơn một vài loại phí.
Đại diện Công ty tàu biển Liên Anh - đơn vị chuyên làm các dịch vụ xuất nhập khẩu ở TP.HCM, cho biết các hãng tàu thu thêm loại phí mới, tăng phí cũ gần như không cần thông báo, không có lộ trình.
Việc loạn thu phụ phí của các hãng tàu nước ngoài là do họ đang độc quyền, chiếm lĩnh và chi phối gần như hoàn toàn thị trường vận tải biển với hàng xuất nhập khẩu ở VN.
Theo các doanh nghiệp làm dịch vụ logistics, không những phải đóng các khoản phụ phí “trời ơi đất hỡi” nêu trên, một số đơn vị nhập khẩu hàng từ thị trường Trung Quốc còn rơi vào tình trạng phải trả thay phụ phí cho đối tác.
Doanh nghiệp nhập khẩu theo phương thức CIF (tức bên nhận hàng thanh toán cước vận chuyển) nên có một số khoản phí tại cảng hàng đi (ở phía Trung Quốc), nhà xuất khẩu không thanh toán nên khi hàng về VN, hãng tàu lại đè cổ doanh nghiệp nhập khẩu để thu.
Do sơ suất, có những khoản như phí rủi ro container, phí xếp dỡ hay phụ phí xăng dầu... doanh nghiệp phải đóng hai lần. Nếu không đóng, doanh nghiệp không được lấy hàng, phí lưu kho bãi lại chồng phí.
Để tránh tình trạng này, doanh nghiệp buộc phải đọc kỹ hợp đồng và thỏa thuận rõ mỗi bên phải thanh toán những khoản phụ phí nào cho hãng tàu.
Sẽ kiểm tra rà soát hiện tượng thu phí
Tại buổi giao ban xuất khẩu ngày 5-4, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho biết hiện tượng thu phí bừa bãi đã diễn ra từ nhiều năm nay.
Đặc biệt từ năm 2008, trước phản ứng dữ dội của các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu, các đoàn kiểm tra liên bộ gồm Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) đã tổ chức đi kiểm tra, khảo sát, nhưng sự phối hợp của các cơ quan chức năng và hiệp hội chủ hàng chưa tốt nên vẫn chưa đủ cơ sở để làm việc với các hãng tàu nước ngoài.
Ông Biên cũng yêu cầu Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), VCCI, hiệp hội chủ hàng khẩn trương kiểm tra rà soát hiện tượng thu phí của các hãng tàu nước ngoài hiện nay để kiến nghị cơ quan nhà nước có biện pháp cụ thể với các hãng tàu nước ngoài, thậm chí chế tài nếu pháp luật cho phép. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần tìm những định chế để ngăn ngừa hành vi độc quyền của các hãng tàu nước ngoài. |
Theo TTO