|
Nguồn lợi thủy hải sản cũng như tài nguyên thiên nhiên dưới lòng biển và không gian biển là những tiềm năng chờ được khai thác. Đến nay, dù Chiến lược kinh tế biển đã được thông qua tại Hội nghị lần thứ 4, BCH Trung ương Đảng khóa X nhưng việc khai thác nguồn lực biển vẫn còn nhiều bất cập, chưa xây dựng quy hoạch tổng thể, quy hoạch các lĩnh vực mũi nhọn và kế hoạch đầu tư có những bất cập do bị dàn trải, thiếu sự liên kết, thiếu tính tổng hợp và chiến lược.
Nghèo sản phẩm về biển’
Kết quả tổng kết và so sánh của PGS-TS Vũ Sĩ Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý, Khai thác biển và hải đảo, nêu lên một thực trạng: Mặc dù kinh tế biển và vùng ven biển Việt Nam bình quân đạt khoảng 47% - 48% GDP cả nước nhưng kinh tế “thuần biển” chỉ đạt khoảng 20% - 22% tổng GDP cả nước và trong đó, đóng góp của các ngành kinh tế diễn ra trên biển chiếm tới 98%, chủ yếu là khai thác dầu khí, hải sản, hàng hải (vận tải biển và dịch vụ cảng biển), du lịch biển, còn các ngành kinh tế có liên quan trực tiếp tới khai thác biển như đóng và sửa chữa tàu biển, chế biến dầu khí, chế biến thủy, hải sản, thông tin liên lạc... rất nhỏ bé, mới chỉ chiếm khoảng 2% kinh tế biển và 0,4% tổng GDP cả nước.
Quan hệ nhân - quả giữa kinh tế biển và thương hiệu biển đó là kinh tế biển không phát triển, không thể có những sản phẩm nổi tiếng trở thành thương hiệu lớn, ngược lại không có nhiều sản phẩm, thương hiệu danh tiếng, kinh tế biển cũng không thể phát triển mạnh.
Theo TS Tuấn, điều này cũng giải thích tại sao một đất nước có hơn 3.000km bờ biển với diện tích vùng đặc quyền kinh tế biển lớn hơn 3 lần diện tích đất liền nhưng chỉ có doanh thu từ biển khoảng hơn 10 tỷ USD, so với 33 tỷ USD của Hàn Quốc, 468 tỷ USD của Nhật và 1.300 tỷ USD toàn cầu. Dù diện tích gấp 50 lần, dân số gấp 16 lần, có bờ biển dài gần gấp 40 lần Singapore nhưng chúng ta không có cảng nào có thể so sánh được với Changi, vì thế không thể cạnh tranh được dịch vụ vận tải quốc tế bằng đường biển.
Số lượng hàng hóa thông qua các cảng của Việt Nam trên đầu người chỉ bằng 1/5 của Thái Lan, 1/7 của Malaysia và 1/140 của Singapore. Chúng ta có hơn 100 bãi biển đẹp nhưng lại rất thiếu các sản phẩm du lịch biển độc đáo, đặc sắc, mang tính cạnh tranh cao và chưa có một khu du lịch tổng hợp nào đạt trình độ quốc tế. Hàng triệu kilômét vuông đặc quyền kinh tế mà chỉ đem lại khoảng 3 tỷ USD xuất khẩu hải sản một năm; đến nhiều nơi trên thế giới, khó mà tìm được những sản phẩm biển nổi tiếng “Made in Vietnam” được bày bán trong các siêu thị...
Các nước chưa tìm thấy ở Việt Nam những con tàu lớn, những công nghệ đóng tàu hiện đại, những cảng trung chuyển quốc tế, những bãi tắm nổi tiếng và một ngành công nghiệp biển hiện đại.
Còn theo PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, trong một thời gian dài, chúng ta mới chỉ chú trọng hướng “lên núi” bằng việc mở hàng loạt cửa khẩu, phát triển khu kinh tế (KKT) cửa khẩu trên biên giới đất liền mà ít mở ra biển, qua các cảng biển. Hiện nay, Việt Nam không thể tiến ra biển với “hành trang” thời Mai An Tiêm.
Cụ thể hóa chiến lược
Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương IV (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã chỉ rõ phải phấn đấu để “Việt Nam trở thành quốc gia mạnh lên từ biển, giàu lên từ biển”, và đến năm 2020, kinh tế biển Việt Nam phải đạt 53% - 55% GDP và chiếm 60% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Điều này thể hiện rõ nhận thức của chúng ta về vị trí quan trọng kinh tế biển, trong đó có vai trò của các cảng biển và KKT ven biển ở nước ta trong thời gian tới. Đó là những nền tảng ban đầu để hình thành một chiến lược biển cụ thể.
Tại Đại hội XI của Đảng (1-2011), chiến lược biển đã được thông qua, tiếp tục nhấn mạnh: “Phát triển mạnh kinh tế biển, trong đó triển khai nhanh một số KKT, KCN ven biển, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp năng lượng, đóng tàu, xi măng, chế biến thủy sản chất lượng cao... Đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, tạo thành các trung tâm kinh tế biển mạnh, tạo thế tiến ra biển, gắn với phát triển đa dạng các ngành dịch vụ, nhất là các ngành có giá trị gia tăng cao như dịch vụ xuất nhập khẩu, du lịch, dịch vụ nghề cá, dịch vụ dầu khí, vận tải; phát triển các đội tàu, công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu biển...”.
Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Văn Đức: Lịch sử nước ta cho thấy sự hình thành và phát triển các KKT lớn và quá trình đô thị hóa ở vùng ven biển đều gắn liền với nhịp độ phát triển của các cảng biển, như Vân Đồn (Quảng Ninh) xa xưa, Hải Phòng, Hạ Long, Đà Nẵng, Vũng Tàu… vừa qua và Dung Quất, Quy Nhơn… trong tương lai. Mặc dù vậy, kinh tế biển của nước ta đến nay chưa có sức cạnh tranh cao và chưa có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và quốc tế. Một trong những nguyên nhân là chưa xây dựng được một hình ảnh “Việt Nam biển” xứng tầm.
Nói khác, chúng ta chưa chuẩn bị tốt và đồng bộ cho việc xây dựng thương hiệu biển quốc gia, thương hiệu cho các ngành, lĩnh vực kinh tế biển, cho các địa phương ven biển, cho các doanh nghiệp biển, cho các sản phẩm biển và các chỉ dẫn địa lý trên các khu vực biển của Việt Nam...
PGS-TS Nguyễn Chu Hồi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, dẫn chứng bằng những mô hình cụ thể: Cảng nước sâu và KKT biển là hai yếu tố gắn kết trong tạo dựng thương hiệu của một vùng bờ biển nhất định. Hai yếu tố này tạo ra hình ảnh của một đô thị ven biển mà đến nay trên 50% các đô thị lớn kiểu như vậy đang hiện diện ở vùng ven biển nước ta. Các khu đô thị và công nghiệp gắn với cảng như vậy đã, đang và sẽ trở thành các “cực phát triển” với bán kính ảnh hưởng ngày càng rộng trong thế hội nhập kinh tế đất nước, trong bình đồ phát triển không gian kinh tế đất nước ở thế kỷ 21.
Tuy nhiên, để vùng ven biển trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế biển đảo và nội địa phải phát triển theo hướng hiệu quả và bền vững, các đô thị, cảng biển và KKT phải hướng tới một nền kinh tế “xanh”.
Trong khi đó, theo PGS-TS Trần Đình Thiên, để định hình về tư duy kinh tế biển, cần được thực hiện đồng thời tổng thể ở cả 3 phương diện: khai thác vùng không gian biển (mặt biển, dưới biển và bầu trời biển); vùng bờ biển (cảng biển, bãi biển, thành phố biển và KKT ven biển); phát triển lĩnh vực hậu cần cho kinh tế biển và các khu vực kết nối (phát triển khoa học - công nghệ biển, nguồn nhân lực cho kinh tế biển, kết nối tuyến du lịch đất liền…). Với nguồn lực có hạn, trong bối cảnh quốc tế hiện nay, việc lựa chọn mục tiêu trọng tâm trong chiến lược biển để ưu tiên thực hiện là một yêu cầu bắt buộc với Việt Nam.
Quy hoạch và định hướng cơ bản phát triển các khu kinh tế, cảng biển và đảo Việt Nam tầm nhìn đến 2020 – 2030
Theo Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ KH-ĐT), đề án “Quy hoạch phát triển các KKT ven biển của Việt Nam đến năm 2020” đã được Thủ tướng phê duyệt, từ 2011 đến 2015 sẽ thành lập khu kinh tế Năm Căn, tỉnh Cà Mau đồng thời quy hoạch mở rộng khu kinh tế Dung Quất; xem xét bổ sung vào quy hoạch phát triển 2 - 3 khu kinh tế mới, nâng tổng số các khu kinh tế lên khoảng 18 khu kinh tế với tổng diện tích cả mặt đất và mặt nước khoảng 740.000 - 760.000 ha.
Đến năm 2015, các khu kinh tế thu hút được khoảng 1.000 - 1.100 dự án, trong đó có 450 - 500 dự án đầu tư nước ngoài và 550 - 600 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 45 - 47 tỷ USD và 240.000 - 260.000 tỷ đồng. Các khu kinh tế ven biển đóng góp vào tổng GDP của cả nước khoảng 5% và tạo ra việc làm phi nông nghiệp cho khoảng 300.000 - 500.000 người.
Năm 2020, các khu kinh tế thu hút được khoảng 1.500 - 2.000 dự án, trong đó khoảng 60% dự án đầu tư nước ngoài và 40% dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 70 - 80 tỷ USD và 320.000 - 350.000 tỷ đồng; đóng góp vào tổng GDP của cả nước khoảng 15% - 20% và tạo ra việc làm phi nông nghiệp cho khoảng 1,3 - 1,5 triệu người.
Thủ tướng cũng đã phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến 2030. Theo đó, yêu cầu trong 5 năm tới cần tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng một số cảng nước sâu cho tàu trọng tải lớn đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt là cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong - Khánh Hòa, để tiếp nhận tàu container sức chở 9.000 - 15.000 TEU hoặc lớn hơn và tàu chở dầu 30 - 40 vạn DWT; cảng cửa ngõ quốc tế tại Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp nhận được tàu trọng tải 8 - 10 vạn DWT, tàu container sức chở 4.000 - 8.000 TEU…
Phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế đảo Việt Nam đến năm 2020. Phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững về kinh tế của hệ thống các đảo để có bước đột phá về phát triển kinh tế biển đảo và ven biển của nước ta, đồng thời xây dựng hệ thống đảo trở thành tuyến phòng thủ vững chắc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia các vùng biển đảo của Tổ quốc, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 14% - 15%/năm (thời kỳ 2010 – 2020). |
Theo SGGP
|