|
Hiện nay đang có sự dịch chuyển sản lượng container từ TPHCM ra khu cảng Cái Mép - Thị Vải (CM-TV). Nếu thực trạng giá cước bất hợp lý tại khu vực này không được giải quyết thấu đáo thì đó là nguy cơ mất chủ quyền đối với các cảng container lớn liên doanh với nước ngoài, còn mất quyền chi phối cho cả hệ thống cảng biển Việt Nam.
Cung đã vượt cầu
Theo quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, tại khu vực CM-TV sẽ có khoảng 20 cảng biển nước sâu. Quy hoạch được tính toán dựa trên cơ sở dự báo về mức tăng trưởng kinh tế-xã hội của Việt Nam, từ nay đến 10-15 năm sau. Như vậy, đáng lẽ việc đầu tư cảng phải có lộ trình và lộ trình này phải gắn chặt với lộ trình phát triển kinh tế-xã hội, thì lại được ồ ạt thực hiện trong vài năm trở lại đây. Hiện nay ở CM-TV đã có 7 cảng container được xây dựng với 4 cảng đã hoạt động và nhiều cảng khác đang trong quá trình triển khai dự án. Dự kiến đến năm 2015 toàn bộ 20 cảng sẽ hoàn thành. Hiện tổng cầu dịch vụ còn rất thấp, chưa đến 20% tổng cung dịch vụ. Bởi thế, Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính... kiến nghị tình trạng giá dịch vụ xếp dỡ hàng container tại các cảng nước sâu trong khu vực CM-TV của tỉnh BR-VT quá thấp. Trong khi chi phí tối thiểu vào khoảng 65USD/TEU thì hiện nay giá dịch vụ xếp dỡ container tại nhiều cảng nước sâu ở CM-TV bình quân chỉ 32USD cho một container 20 feet và 50USD cho một container 40 feet, trong khi mức giá của các nước trong khu vực cao hơn nhiều so với 2 con số này.
Nguy cơ...
Tổng Giám đốc Cảng Sài Gòn - ông Lê Công Minh - khẳng định, việc thu phí dịch vụ quá thấp sẽ khiến hoạt động cảng biển Việt Nam bị suy yếu, nhiều doanh nghiệp kinh doanh cảng biển sẽ phá sản. Nếu để tình trạng thua lỗ tiếp tục kéo dài, nguy cơ quyền chi phối hoạt động các cảng biển Việt Nam sẽ rơi vào tay đối tác nước ngoài do doanh nghiệp trong nước không đủ năng lực tài chính để góp vốn. Trên thực tế, lo ngại nói trên không phải là không có cơ sở bởi theo tính toán, nếu áp dụng mức giá thấp như hiện nay thì tình trạng lỗ của một số cảng (nhất là các cảng mới đầu tư lớn và hiện đại như 2 cảng liên doanh mới đưa vào khai thác của Vinalines là SP-PSA và CMIT) sẽ kéo dài 12-13 năm. Doanh nghiệp Việt Nam không đủ năng lực tài chính để góp thêm vốn sẽ buộc phải bán lại cổ phần của mình cho phía nước ngoài.
Cần khung giá sàn
Bàn về giá phí cảng biển và hàng hải, ông Nguyễn Xuân Dũng - Phó Tổng Giám đốc Cảng Đà Nẵng - kiến nghị Chính phủ không quy định phí cầu bến mà để doanh nghiệp cảng quy định cước cầu bến một cách hợp lý, VPA tiếp tục tác động mạnh để Bộ Tài chính sớm ban hành giá sàn dịch vụ container và đưa vào thực hiện đầu năm 2012, giúp các cảng bù đắp chi phí và tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị. Ông Nguyễn Hùng Việt - Tổng Giám đốc Cảng Hải Phòng - cho rằng, Nhà nước cần sớm xem xét khả năng xác định khung giá sàn và các cảng khai thác dịch vụ container chỉ được phép áp dụng trong khung giá cho phép đó, vì đây là lĩnh vực sẽ phát triển mạnh, ảnh hưởng lớn đến khả năng đầu tư và thu hồi vốn. Mức giá được VPA đưa ra là 65USD và 100USD với container 20 feet và 40 feet, đồng thời kiến nghị xây dựng lộ trình bình ổn và thống nhất giá dịch vụ cảng biển cho dịch vụ vận tải nội địa và quốc tế, điều chỉnh phù hợp phí hành khách tàu biển và phí cầu bến.
Theo Lao Động
|