|
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
đánh giá, 11 tháng đầu năm, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng cả về lượng và
giá trị so với cùng kỳ năm 2010. Ước tính giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản
đến hết tháng 11 ước đạt 22,6 tỷ USD. Như vậy việc hoàn thành mục tiêu đặt ra
cho năm 2011 là 23 tỷ USD gần như đã nằm trong tầm tay.
Theo Bộ NN&PTNT,
điều kiện thị trường trong và ngoài nước có những tín hiệu khả quan chính là
những yếu tố để xuất khẩu nông sản tăng mạnh trong thời gian qua. Cụ thể, ước
giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 11 ước tính đạt 2 tỷ USD, lũy kế từ
đầu năm đến hết tháng 11 ước đạt 22,6 tỷ USD, tăng 30,6% so với cùng kỳ năm
2010. Trong đó, kim ngạch các mặt hàng nông sản chính có tốc độ tăng trưởng khá
hơn cả đạt 12,3 tỷ USD, tăng 36,6%; các mặt hàng lâm sản chính đạt 3,8 tỷ USD,
tăng 14,2% và mặt hàng thủy sản đạt 5,6 tỷ USD, tăng 24,9%. Sự tăng trưởng khá
về giá trị xuất khẩu chủ yếu là do đà tăng giá mạnh của các mặt hàng nông lâm
thủy sản.
Gạo vẫn là một mặt
hàng chủ đạo, chiếm giá trị xuất khẩu lớn trong tổng giá trị xuất khẩu nông sản
của nước ta. Ước xuất khẩu mặt hàng này trong tháng 11 đạt 450 ngàn tấn, kim
ngạch 260 triệu USD, đưa lượng gạo xuất khẩu 11 tháng đầu năm lên 6,8 triệu
tấn, với giá trị xấp xỉ 3,5 tỷ USD, so với cùng kỳ năm trước tăng 7,1% về lượng
và 16,7% về giá trị. Nhu cầu và giá gạo thế giới hiện nay đang trên đà tăng có
lợi cho Việt Nam đẩy nhanh tiến độ xuất khẩu, ngoài ra tình hình thiên tai của
các nước trong khu vực cũng ảnh hưởng đến nguồn cung gạo trên thế giới. Giá gạo
bình quân 10 tháng năm nay đạt 505 USD/tấn, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù nhập khẩu gạo của Philipin sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước (giảm
34,6 về lượng và 50,3% về giá trị), nhưng thị trường này vẫn là thị trường lớn
thứ hai sau Inđônêxia. Tỷ trọng giá trị của hai thị trường lớn này chiếm gần
40% giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam. Các thị trường có sự tăng trưởng mạnh
cả về lượng và giá trị so với năm 2010 là Inđônêxia (gấp 8 lần), Xênêgan (gấp
hơn 2 lần) và Trung Quốc (xấp xỉ 3 lần).
Mặt hàng cà phê được
đánh giá là mặt hàng tăng trưởng ấn tượng về giá trị. Xuất khẩu cà phê tháng 11
ước đạt 30 ngàn tấn, với kim ngạch 70 triệu USD, như vậy khối lượng xuất khẩu
cà phê 11 tháng đầu năm chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái (đạt 1,1 triệu
tấn) nhưng giá trị gấp 1,5 lần (2,3 tỷ USD). Giá cà phê xuất khẩu bình quân 10
tháng đạt 2.210 USD/tấn, gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Ba thị trường
lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ (chiếm 11,3%), Đức (9,7%), Bỉ (8,5%). Mặc dù
khối lượng tiêu thụ ở một số thị trường giảm từ 10 – 24% nhưng giá trị xuất
khẩu sang các thị trường lớn đều tăng.
Đối với mặt hàng cao
su, ước tháng 11, xuất khẩu đạt 60 ngàn tấn với giá trị 225 triệu USD, đưa
lượng cao su xuất khẩu 11 tháng đạt 651 ngàn tấn, thu về 2,7 triệu USD, so cùng
kỳ năm trước giảm về khối lượng (-4,7%) nhưng giá trị tăng khá (37,5%). Xuất
khẩu cao su vẫn phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc, chiếm tới gần 60% tỷ
trọng xuất khẩu. Giá cao su xuất khẩu bình quân 10 tháng đạt 4.263 USD/tấn tăng
50% so với cùng kỳ năm 2010.
Mặt hàng hồ tiêu được
đánh giá tăng mạnh nhất về giá trị trong nhiều năm trở lại đây. Tháng 11 xuất
khẩu mặt hàng này ước đạt 6 ngàn tấn, kim ngạch là 40 triệu USD, đưa lượng tiêu
xuất khẩu 11 tháng đầu năm nay đạt 122 ngàn tấn, kim ngạch 713 triệu USD, so
với cùng kỳ năm trước lượng tăng 10,5% nhưng giá trị tăng mạnh, tới 83%. Nhu
cầu tiêu tăng mạnh ở hầu hết các thị trường, trong đó đáng chú ý là so với cùng
kỳ năm 2010 khối lượng xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng 45,6%, Tây Ban Nha tăng
123,7%, Xinhgapo tăng 83,3%, Ai Cập tăng 74,1%, Pakixtan tăng 44,9%. Thị trường
lớn nhất là Hoa Kỳ chiếm 19,7% tỷ trọng giá trị xuất khẩu tiêu.
Một số mặt hàng nông
sản khác như chè và hạt điều, tuy sản lượng chỉ tăng nhẹ, thậm chí giảm nhưng
do giá trị tăng nên kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng so với cùng kỳ.Tháng 11, xuất
khẩu hạt điều ước đạt 20 ngàn tấn, kim ngạch 170 triệu USD, đưa xuất khẩu 11
tháng ước đạt 164 ngàn tấn, thu về 1,4 tỷ USD, so với cùng kỳ năm trước giảm
6,7% về lượng nhưng vẫn tăng 35,4% về giá trị. Ba thị trường lớn nhất tiêu thụ
tới trên 60% khối lượng hạt điều xuất khẩu của Việt Nam là Hoa Kỳ, Trung Quốc
và Hà Lan. Còn mặt hàng chè ước tháng 11, xuất khẩu đạt 10 ngàn tấn, với giá
trị 15 triệu USD, đưa lượng chè xuất khẩu 11 tháng đạt 120 ngàn tấn, kim ngạch
182 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước xuất khẩu chè không có nhiều biến động,
giảm 1,5% về lượng và giá trị tăng 1,9%.
Cùng với các mặt hàng
về nông sản, lâm sản và đồ gỗ cũng có sự tăng trưởng khá. Kim ngạch xuất khẩu
tháng 11 ước đạt 350 triệu USD, đưa kim ngạch xuất khẩu 11 tháng đầu năm đạt
3,5 tỷ USD, tăng 15% so cùng kỳ năm trước. Mặc dù tình hình tiêu thụ các sản
phẩm gỗ xuất khẩu có xu hướng phát triển khả quan, nhưng doanh nghiệp vẫn đang
phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức xuất phát từ chi phí đầu vào tăng
cao. Giá trị xuất khẩu các sản phẩm này ghi nhận sự tăng trưởng ở hầu hết các
thị trường lớn. Hoa Kỳ tiếp tục duy trì là bạn hàng đứng đầu chiếm hơn 1/3 giá
trị xuất khẩu mặt hàng gỗ và các sản phẩm gỗ.
Thủy sản cũng góp phần
vào sự khởi sắc chung của xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Ước kim ngạch xuất
khẩu thủy sản tháng 11 đạt 650 triệu USD, đưa kim ngạch xuất khẩu 11 tháng đầu
năm nay đạt 5,6 tỷ USD, tăng 24,9 % so cùng kỳ năm trước. Mặc dù gặp nhiều khó
khăn do thiếu nguyên liệu sản xuất, nhưng tình hình tiêu thụ sản phẩm xuất khẩu
vẫn tăng trưởng khá.
Cùng với các ngành
hàng xuất khẩu quan trọng khác như may mặc và giày da, nông, lâm, thủy sản đang
ở trong giai đoạn tăng trường khá nhanh. Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu nhóm
hàng này luôn ở thế xuất siêu. Chỉ còn 1 tháng nữa kết thúc năm 2011, với đà
tăng trưởng này, ngành nông, lâm, ngư nghiệp đang kỳ vọng vượt mục tiêu đề ra
trong năm 2011. Được biết, năm 2010 tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông,
lâm, thủy sản đã thiết lập mức kỷ lục với 19,2 tỷ USD.
Theo Baomoi
|