Mặc dù xuất khẩu thủy sản năm 2011 tăng trưởng hơn 20% về kim ngạch so
với năm 2010, thế nhưng tại thời điểm này nhiều doanh nghiệp thuỷ sản hầu như
không ký kết được những đơn hàng mới, cũng không mong bán được hàng mà đang
phải lo thu hồi tiền nợ.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu thuỷ sản 11 tháng
qua đạt 5,6 tỷ USD, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu thủy sản
sang hầu hết các thị trường lớn đều tăng trưởng mạnh về giá trị, điển hình như
Hoa Kỳ tăng 23,5%, Hàn Quốc 32%, Trung Quốc 49% và Italy tăng 41% so với cùng
kỳ năm ngoái. Ước tính, giá trị xuất khẩu thủy sản cả năm 2011 sẽ đạt mốc 6 tỷ
USD, tăng mạnh so với kim ngạch 4,94 tỷ USD của năm 2010.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), không còn
hanh thông như những tháng đầu và giữa năm, từ tháng 11/2011 đến nay, xuất khẩu
thủy sản lâm vào tình thế vô cùng khó khăn. Đặc biệt là ở châu Âu - khu vực
chiếm 40% thị phần tiêu thụ thủy sản của Việt Nam, tiêu thụ hầu như bị ngưng
trệ.
Theo ông Trần Văn Lĩnh, Giám đốc Công ty thuỷ sản Thuận Phước, Đà Nẵng:
“Các khách hàng lớn châu Âu đã thông báo với Thuận Phước rằng họ không còn nhận
được các khoản vay, bảo trợ thanh toán từ ngân hàng. Còn nhà nhập khẩu nhỏ thì
hầu như mất khả năng giao dịch. Ai ai cũng gửi email rằng họ đang khó khăn về
dòng tiền”.
Với tình thế hiện nay, các doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam không mong
nhận được những đơn hàng mới, thậm chí có đơn hàng đã ký thì cũng không muốn
xuất hàng, vì phải đang tất bật lo thu hồi công nợ. Các doanh nghiệp xuất khẩu
phải nghĩ trăm phương nghìn kế để ràng buộc hợp đồng, ép khách hàng sớm trả nợ
để tránh bị mất trắng, đồng thời tính toán sàng lọc lại khách hàng.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho biết, thông lệ trước đây, các
doanh nghiệp thường cho khách hàng nợ tiền với thời gian từ 30 – 45 ngày sau
khi xuất hàng, thậm chí nhiều hợp đồng doanh nghiệp xuất khẩu để khách hàng bán
hết mới trả tiền. Thế nhưng hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp chế biến thủy
sản đã thắt chặt điều kiện khi ký kết hợp đồng. Hầu hết các hợp đồng ký mới đều
yêu cầu đối tác phải thanh toán theo L/C, đặt cọc trước (đặt cọc 20-30% giá trị
lô hàng) và hàng cập cảng thì nhà nhập khẩu phải chuyển tiền ngay.
Nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản tiến hành phân chia khách hàng ra
thành nhiều nhóm A, B, C... để đánh giá năng lực trả nợ, mức độ rủi ro khi giao
hàng cho họ. “Quá nhiều rủi ro khi bán hàng sang châu Âu vào giai đoạn này.
Phương thức mua bán bây giờ đòi hỏi phải lấy tiền liền, và doanh nghiệp cần
thận trọng lựa chọn khách hàng” ông Hoè khuyến cáo.
Theo các thương lái, hiện các doanh nghiệp chế biến đều đồng loạt ngừng
thu mua cá tra, nhiều khả năng giá cá nguyên liệu sẽ còn tiếp tục rớt tiếp
trong thời gian tới vì nhu cầu thị trường đang xuống thấp.
Ông Trương Đình Hòe cho rằng, do hiện tại nguồn cá tra nguyên liệu đã
tăng trở lại, bên cạnh đó, thị trường nhập khẩu ở châu Âu đã chựng lại do tác
động từ những biến động của đồng Euro vì vậy các nhà nhập khẩu đang xem xét thị
trường diễn biến như thế nào mới tính tiếp.
Nhiều nhận định cho thấy thị trường châu Âu khó có khả năng hồi phục
trước quý 1 năm sau. Đồng Euro tiếp tục mất giá nhanh trong vài tuần gần đây
gây ra tâm lý hoang mang, bao trùm thị trường. Tình trạng này khiến cho các đơn
hàng thuỷ sản mua cách nay hai ba tháng thanh toán bằng đồng USD, đến nay, nhà
nhập khẩu do sợ đồng euro tiếp tục mất giá nên phải hạ giá để đẩy bán ra nhằm
thu hồi vốn, càng khiến mặt bằng giá thuỷ sản trong khối này hạ thêm nữa.
Ông Dương Ngọc Minh, Phó chủ tịch VASEP băn khoăn: Hiện chỉ còn một số
ít doanh nghiệp còn vốn tự có hoặc trong diện được ngân hàng giải ngân thì tiếp
tục mua cá sản xuất. Doanh nghiệp nào không còn khả năng thì buộc phải chọn
giải pháp cắt giảm tối đa công suất, thậm chí ngưng hoạt động vì lúc này người
nuôi không bán cá chịu.
Trong khi đó, tháng 12 là thời điểm nhạy cảm nhất trong năm đối với rất
nhiều doanh nghiệp kinh doanh thuỷ sản. Họ sẽ phải chạy vạy, có khi phải chấp
nhận chịu lỗ, bán giá thấp để thu tiền về đáo hạn ngân hàng. Điều này thể hiện
rất rõ trong khoảng hai tuần trở lại đây khi cá tra, tôm xuất khẩu giảm giá
nhanh.
Ông Minh bày tỏ sự lo lắng: “Giới doanh nghiệp thuỷ sản còn dự báo sau tháng
12 này, chắc chắn sẽ xảy ra nhiều vụ đổ vỡ, phá sản. Nguy cơ năm 2012 ngành cá
tra sẽ không còn hơn 120 doanh nghiệp xuất khẩu nữa, con số tồn tại dự báo sẽ
rất thấp, vì sẽ có nhiều doanh nghiệp phá sản, phải ngừng hoạt động”.
Theo INFOTV